Cắt 95% thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm
Trước đó, đại biểu của nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp có đánh giá về Tổ công tác.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Tổ công tác đã trung thực trong việc truyền đạt các chỉ đạo của Thủ tướng, không ngại va chạm, làm việc chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương. Nhờ Tổ công tác mà không chỉ Bộ Y tế mà các bộ khác đều phải cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng giao với tinh thần cải cách, đổi mới.
Ông Long nói: “Nghị định 38/2012 trước đó về an toàn thực phẩm (ATTP) có nhiều thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cả cơ quan quản lý. Như việc “một chiếc bánh sôcôla có 13 giấy phép” cơ quan quản lý cũng chả biết cái nào cấp trước, cái nào cấp sau. Mỗi lần công bố rất mất thời gian”.
Vì vậy, suốt năm 2017, các hiệp hội, doanh nghiệp, VCCI, CIEM… đã kiến nghị rất nhiều để sửa đổi nghị định này. Kết quả là đầu năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018.
Ông Long đánh giá: Nghị định thay đổi căn bản về cách quản lý ATTP, chuyển sang hậu kiểm, quản lý rủi ro, nâng cao vai trò người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các cơ quan quản lý chỉ kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn, quy định. Nghị định này cắt giảm tới 95% TTHC, kiểm tra chuyên ngành đối với ATTP... Kết quả là tiết kiệm được hơn 7 triệu ngày công, hơn 3.000 tỉ đồng. “Điều quan trọng là Nghị định 15/2018 ra đời thì chất lượng ATTP còn tốt hơn. Như thế, không phải cứ nhiều giấy phép là tốt hơn... Nói gì thì nói nếu cán bộ, công chức đặt mình ở vị trí người dân, doanh nghiệp thì mới thấy cần phải cải cách, đổi mới hơn” - Bộ trưởng Long nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay ông có nhiều cảm xúc khi làm việc với Tổ công tác. Tháng 8-2016, Tổ công tác được Thủ tướng thành lập, sau đó VASEP bất ngờ được Tổ công tác mời đối thoại.
“Có nhiều vấn đề không phải các bộ, ngành không biết. Họ biết cả nhưng không hiểu sao họ không đưa ra để bàn. Tổ công tác đưa ra. Trước khi có Nghị định 15/2018, các hiệp hội đã kiến nghị với Bộ Y tế, Tổ công tác sau đó cũng họp ngay tại Bộ Y tế… Cảm xúc của tôi lúc đó khác hoàn toàn so với 20 năm trước khi tôi được VASEP giao cho công tác làm việc với các bộ, ngành… về cải cách, đổi mới” - ông Nam nhớ lại.
“Đừng để tiếng kêu còn nữa”
Ông Mai XuânThành (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) cũng cho rằng Tổ công tác đã góp phần tạo đột phá, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống hành chính nhà nước.
Ông Thành nhắc tới việc Tổ công tác Thủ tướng xuống kiểm tra cảng Hải Phòng để đôn đốc, kịp thời giải quyết hơn 24.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng hồi tháng 1-2019, trước tết Nguyên đán. “Việc làm của Tổ công tác đã chấn chỉnh tình trạng nhập khẩu ồ ạt, ngăn chặn Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới và sử dụng phế liệu có mục đích”.
Còn về vai trò của Tổ công tác đối với ngành hải quan, ông Thành cho hay: Tổ đã đôn đốc, kiểm tra, xử lý tiêu cực trong ngành hải quan. Nhờ đó, Tổng cục Hải quan thời gian qua đã xử lý 21 vụ với 22 trường hợp vi phạm, ban hành quy chế hoạt động công vụ với hàng loạt hành vi công chức không được làm.
Ông Thành vừa dứt lời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc luôn: “Tiếng kêu về hải quan còn nhiều lắm. Ngay vụ buôn lậu xăng dầu cũng dính đến hải quan. Tôi ngồi trên này tôi còn biết được bộ phận nào, hải quan nào. Chính Thủ tướng đề nghị thay đổi một số cục trưởng Cục Hải quan ở một số nơi quan trọng. Đừng để tiếng kêu về hải quan còn nữa. Hải quan phải đóng góp hơn nữa cho phát triển chung”.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau khi đánh giá cao Tổ công tác cũng kể: Năm năm qua, Tổ công tác đã giúp ngành dệt may tháo gỡ được tám vấn đề lớn, trong đó có những vấn đề thuộc ngành hải quan, tài chính. Nhưng ấn tượng nhất đối với ông và ngành dệt may lại là một quy định liên quan tới Bộ TT&TT.
“Bộ quy định những đơn vị nào nhập khẩu máy in thì người đứng đầu phải có bằng cao đẳng in. Nhưng ngành in phát triển quá nhanh, đâu chỉ in vào giấy mà còn in vào vải. 50% sản phẩm vải đã in bằng máy in. Sau đó Tổ công tác làm việc, báo cáo Thủ tướng rồi sau đó Thủ tướng tháo gỡ quy định này. Nói thật, khi đó chúng tôi vỡ òa” - ông Giang kể.
Xem thêm: lmth.029279-gnout-uht-auc-hcac-iac-ev-aul-neyurt-ad-cat-gnoc-ot/us-ioht/nv.olp