Hãng tin Reuters ngày 16-3 đưa tin các chuyên gia y tế toàn cầu đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc giải đáp các câu hỏi về tính an toàn của vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca, trong bối cảnh Thụy Điển và Latvia là hai quốc gia tiếp theo ngừng kế hoạch tiêm chủng vaccine này sau loạt nước Liên minh châu ÂU (EU).
Quyết định ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca được xem là cú giáng mạnh vào tiến trình tiêm chủng tại châu Âu.
WHO và EMA sắp ra tuyên bố về vaccine của AstraZeneca
Ủy ban tư vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về an toàn vaccine đang trao đổi chặt chẽ với Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) nhằm đánh giá các trường hợp xuất huyết, đông máu và giảm số lượng tiểu cầu sau khi tiêm.
Theo kế hoạch, WHO và EMA dự kiến ra tuyên bố về vaccine của AstraZeneca trong ngày 16-3 (giờ địa phương).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ảnh: REUTERS
Áp lực đối với ủy ban tư vấn của WHO ngày càng tăng trong bối cảnh loạt nước EU đã ngừng kế hoạch tiêm chủng vaccine của AstraZeneca.
Sau quyết định của Đức, Pháp, Ý ngừng việc sử dụng vaccine này hôm 15-3, Thụy Điển và Latvia ngày 16-3 là hai nước tiếp theo có quyết định tương tự, sau khi ghi nhận các trường hợp đầu tiên xuất hiện chứng tắc nghẽn mạch máu sau khi tiêm.
WHO và EMA trước đó, cùng phía hãng AstraZeneca, đã thông báo rằng không có mối liên hệ nào được chứng minh giữa việc tiêm chủng và các biến chứng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định các trường hợp hiếm gặp về huyết khối não xuất hiện rất bất thường ở những người trẻ tuổi dường như cho thấy có mối liên hệ với việc tiêm vaccine của AstraZeneca.
Chuyên gia y tế đồng thời là nghị sĩ Đức Karl Lauterbach cho biết: "Thật không may, chứng huyết khối não có thể là do vaccine của AstraZeneca. Và nó ảnh hưởng đến những người trẻ hơn, song không đặt ra nhiều nguy cơ. Vì tỷ lệ rủi ro trên lợi ích chỉ khoảng 1/250.000, lợi ích chiếm ưu thế hơn".
Các nhà dịch tễ học châu Âu vẫn thắc mắc rằng các biến chứng sau khi tiêm không xảy ra với số lượng bất thường ở Anh, quốc gia đã bắt đầu sử dụng vaccine của AstraZeneca trước đó với hơn 10 triệu liều đã được tiêm.
Quyết định chính trị?
Trao đổi với nhật báo Repubblica, ông Nicola Magrini - tổng giám đốc cơ quan quản lý dược phẩm AIFA của Ý - cho rằng việc ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca "mang yếu tố chính trị".
Ông Magrini đánh giá vaccine của AstraZeneca là an toàn và lý giải rằng tỷ lệ lợi ích trên rủi ro của vaccine có "biên độ dương lớn".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 15-3 tuyên bố rằng quyết định ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca không phải là “quyết định chính trị” mà căn cứ trên khuyến cáo của các chuyên gia.
Theo các nguồn tin, ông Spahn không có sự lựa chọn nào khác ngoài đưa ra quyết định trên sau khi cơ quan giám sát vaccine của Đức ghi nhận một số trường hợp bất thường gặp biến chứng huyết khối tĩnh mạch não hiếm gặp.
Vaccine của AstraZeneca. Ảnh: REUTERS
Các chính phủ cho biết họ đã hành động hết sức thận trọng, nhưng việc ngừng tiêm chủng của các nước được cho là đã tước đi những liều vaccine cần thiết giúp họ trong việc thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, vốn đã khởi đầu chậm chạp do nguồn cung khan hiếm.
Đến nay, EU đạt tỷ lệ 11 liều vaccine tiêm trên 100 dân, trong khi Israel - quốc gia đứng đầu thế giới về tiêm chủng - đã đạt tỷ lệ 108 liều vaccine tiêm trên 100 cư dân, theo dữ liệu từ Our World in Data.
Đồng thời, làn sóng lây nhiễm thứ ba, do xuất hiện thêm nhiều biến thể virus hơn, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình đại dịch tại châu Âu, vốn đã cướp đi sinh mạng của 575.000 người và tiếp tục trì hoãn việc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Phía AstraZeneca đang ngồi “ghế nóng”
Theo Reuters, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho rằng tỷ lệ lợi ích trên rủi ro đối với vaccine của AstraZeneca vẫn ở mức dương.
Tuy nhiên, thất bại mới nhất đã giáng một đòn mạnh hơn vào hãng AstraZeneca, vốn đang gặp một số bất đồng với EMA liên quan hợp đồng cung cấp vaccine và không đáp ứng cam kết giao hàng.
Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết ông Pascal Soriot - giám đốc điều hành của AstraZeneca - đang ngồi trên "ghế nóng" trong bối cảnh tiến độ giao hàng chậm trễ, cũng như đang chịu áp lực về cung cấp chi tiết kế hoạch sản xuất của hãng.
“Trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, đều có trách nhiệm được ủy thác, bạn phải có trách nhiệm. Khi bạn không tôn trọng một hợp đồng, điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề, cả vấn đề cá nhân".
Phía AstraZeneca tuần trước cho biết hãng sẽ cố gắng cung cấp 30 triệu liều vaccine cho EU vào cuối tháng 3, giảm so với cam kết trong hợp đồng là 90 triệu liều và cam kết được đưa ra hồi tháng 2 là cung cấp 40 triệu liều.