Ngày 17-3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2020. Đây là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp (DN) và tổ chức phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên cả nước theo quy định hiện hành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin về báo cáo APCI 2020 - Ảnh: Nhật Bắc
Chỉ số APCI được công bố lần đầu tiên vào năm 2018 và Báo cáo APCI 2020 là báo cáo được thực hiện lần thứ ba. Trong năm thứ ba này, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin thông qua phiếu khảo sát của gần 3.000 DN đã thực hiện các TTHC trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2019 (từ tháng 7 đến tháng 12-2019).
Có 9 nhóm TTHC được lựa chọn để khảo sát APCI 2020, gồm: Khởi sự doanh nghiệp; thuế; đầu tư; giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; giao dịch thương mại qua biên giới; đất đai; môi trường; xây dựng; kiểm tra chuyên ngành.
Theo kết quả khảo sát APCI 2020 của các nhóm TTHC, nhóm về môi trường "ngốn" nhiều chi phí của DN nhất. Cụ thể, DN phải bỏ ra hơn 63,3 triệu đồng để thực hiện nhóm TTHC về môi trường. Phân tích cụ thể từng yếu tố cho thấy, để thực hiện TTHC trong nhóm môi trường, trung bình mỗi DN phải bỏ ra 61,5 giờ, chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Theo khảo sát APCI 2020, cứ 100 DN thì có 52 DN thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các TTHC liên quan đến môi trường, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đối với nhóm TTHC về xây dựng, DN cũng phải chi số tiền lên tới hơn 25,2 triệu đồng để thực hiện các thủ tục này. Theo APCI 2020, để thực hiện TTHC xây dựng, trung bình mỗi DN phải bỏ ra khoảng 21,2 giờ, chi phí trực tiếp là 4,7 triệu đồng cho các loại chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, các loại phí và lệ phí theo quy định (bao gồm các loại phí thẩm định và lệ phí cấp phép xây dựng), và một phần chi phí không chính thức.
Trong khi đó, nhóm thủ tục về thuế được đánh giá là tốn ít chi phí nhất cho DN. Theo kết quả APCI 2020, DN chỉ phải bỏ ra khoảng 247 ngàn đồng để thực hiện các TTHC về thuế.
Nhóm thủ tục hành chính về môi trường "ngốn" nhiều tiền nhất của doanh nghiệp
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11-2019, 99,9% DN kê khai thuế điện tử; 99,6% DN nộp thuế điện tử, 93,6% DN hoàn thuế điện tử trên toàn quốc. Ngành Thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.
Từ kết quả APCI 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho DN tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
"Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các DN nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Mai Tiến Dũng, APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và DN làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý, công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC phụ thuộc vào không chỉ các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các TTHC đó.
Và để cải thiện điều này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng song song với việc thúc đẩy chuyển đổi từ thái độ và trách nhiệm công vụ sang thái độ và trách nhiệm phục vụ người dân của các cơ quan, công chức nhà nước, thì việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử sẽ hỗ trợ cắt giảm các áp lực tiếp xúc trực tiếp, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn hiệu quả hơn.