Nhiều lo ngại về khả năng kiềm chế lạm phát trong cả năm 2021 khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 vừa qua đạt mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm gần đây. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình năm 2021 vẫn rất khó đoán định do thị trường thế giới diễn biến bất thường, đặc biệt đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế và hệ thống ngân hàng trong nước. Chính vì vậy, công tác điều hành giá cần tiếp tục thận trọng, linh hoạt và chủ động.
Không được chủ quan
Năm 2021, theo Nghị quyết Quốc hội quyết định tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%. Mục tiêu này được đánh giá sẽ dễ dàng để kiểm soát nhưng nhiều chuyên gia khuyến nghị, vẫn không thể lơ là, chủ quan. Có thể thấy rõ “báo động” khi con số báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2.2021 đạt mức tăng 1,52% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất trong 8 năm gần đây.
Dự báo về tình hình kinh tế của Việt Nam, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, dù đại dịch để lại một số tác động bất lợi kéo dài nhưng nền kinh tế dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021 khi quá trình bình thường hóa các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước tiếp diễn. Các chính sách tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với năm 2020 và lạm phát được dự báo sẽ vẫn gần với mục tiêu của Chính phủ là 4%.
Một lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện đơn vị đã xây dựng và lên kịch bản điều hành giá trong năm 2021, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% Quốc hội đề ra. Dự báo giá cả một số mặt hàng trong năm 2021 rất khó đoán định, do đó, thời gian tới, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các dịch vụ công và hàng hóa quan trọng thiết yếu.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Lao Động, Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, CPI hai tháng mới chỉ là dấu hiệu ban đầu. Còn việc đáng lo ngại nhất là phải xem xét diễn biến từ nay đến cuối năm. Theo ông Long, trong năm 2021 vẫn rất khó đoán định do thị trường thế giới diễn biến bất thường, đặc biệt đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế và hệ thống ngân hàng trong nước. Chính vì vậy, công tác điều hành giá cần tiếp tục thận trọng, linh hoạt và chủ động.
“Chúng ta không được chủ quan. Ngoài ra, các chính sách tài khóa cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19” - ông Long nói thêm.
Tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương và Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Đối với các hàng hóa được mua sắm bằng tiền từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ phục vụ công ích cần được kiểm tra bảo đảm tính cạnh tranh, tính hiệu quả và công bằng.
Trao đổi thêm với PV Báo Lao Động về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng nhanh chóng với trạng thái kinh tế mới. Theo ông Thịnh, nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định Thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8% - 7,4% thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (+, - 0,5%).
Vị chuyên gia này nói, khi dịch được kiểm soát tốt, nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng lên. Hơn nữa, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong thời gian dài vừa qua đã hạ thấp lãi suất, thậm chí áp dụng cơ chế lãi suất âm để thúc đẩy sản xuất. Dư địa và tác dụng của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế rất hạn hẹp. Để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế, các quốc gia chủ yếu sẽ sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa. Điều này sẽ làm giá trị đồng tiền của nhiều quốc gia giảm giá. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao.
Ở Việt Nam thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng đã xuống tương đối thấp. Khi sản xuất phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao sẽ có khả năng thúc đẩy lãi suất và lạm phát tăng cao. Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội, ông Thịnh cho rằng đó là một mục tiêu khó khăn, cần thực hiện tốt một số biện pháp. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.
Đồng thời, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. “Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các DN và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng ‘lạm phát do tâm lý’”, ông Thịnh nói và cho biết thêm ngân hàng nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ.
Xem thêm: odl.418988-ol-gnad-auhc-tahp-mal/et-hnik/nv.gnodoal