Nói đến ông “bầu” Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), thường người ta chỉ nghĩ đến bóng đá và ngân hàng. Đó là 2 lĩnh vực đã tạo dựng tên tuổi của vị doanh nhân này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Tập đoàn T&T (T&T Group) đã xoay hướng, liên tiếp đặt dấu ấn vào một loạt dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt các dự án điện gió và điện mặt trời.
Theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận công bố đã phát hành 2.200 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 25/12/2020. Trái phiếu có kì hạn 15 năm và có tài sản đảm bảo.
CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận được biết tới là đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T, thành lập vào ngày 20/2/2017. Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính là sản xuất điện từ năng lượng mặt trời.
Ngày 22/6/2020, CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận đã khánh thành dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (45 MW).
Dự án được khởi công xây dựng vào đầu tháng 3/2020 trên diện tích 65,2 ha với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Khi thành lập, vốn điều lệ của CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận là 360 tỷ đồng. Ngày 3/11/2020, doanh nghiệp đã tăng vốn lên hơn 1.232 tỷ đồng.
Thông tin thêm từ website của Tập đoàn T&T, nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 hòa lưới điện quốc gia cuối tháng 12/2020.
Với 3 nhà máy điện mới hoạt động, Tập đoàn T&T hiện vận hành tổng cộng 4 nhà máy điện mặt trời, tương đương tổng công suất 245 MWp.
Trong đó, nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cũng do CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận làm chủ đầu tư.
Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 (100 MWp) và 1.3 (50MWp) đều nằm ở tỉnh Ninh Thuận. Còn dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3 (50MWp) được xây dựng ở tỉnh Bình Thuận.
Theo thông tin từ phía T&T Group, tập đoàn này cũng có kế hoạch đầu tư và triển khai hàng loạt dự án nhà máy điện gió ở các địa phương giàu tiềm năng trên khắp cả nước, với tổng công suất lên tới 530 MWp. Theo dự kiến, các dự án này sẽ hòa lưới điện quốc gia vào tháng 10/2021, góp phần đưa T&T Group trở thành “ông lớn” số 1 về đầu tư điện gió trong tương lai.
Theo báo Nhân dân, được biết, không phải tới năm 2020, T&T Group mới bắt đầu bước chân vào địa hạt năng lượng. Trước đó, Tập đoàn này đã có thời gian dài nghiên cứu thị trường, chuẩn bị các bước đi bài bản, sẵn sàng đón đầu khi cơ hội tới. Từ 10 năm trước, bám sát chủ trương của Chính phủ, T&T Group đã bắt tay vào việc hoạch định chiến lược cho sân chơi khi đó vẫn còn rất mới mẻ.
Chính vì vậy, bên cạnh các dự án nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Tập đoàn T&T Group cũng đang nghiên cứu, có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án nhà máy điện gió ở các địa phương giàu tiềm năng trên khắp cả nước, với tổng công suất lên tới 530 MWp.
Theo dự kiến, các dự án này sẽ hòa lưới điện quốc gia vào tháng 10/2021, góp phần đưa T&T Group trở thành “ông lớn” số 1 về đầu tư điện gió trong tương lai. Đồng thời, T&T Group đã hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 phù hợp chiến lược, quy hoạch năng lượng quốc gia.
Theo báo Thanh niên, sở dĩ T&T Group và các nhà đầu tư đổ xô vào điện gió, điện mặt trời cũng là điều dễ hiểu bởi các nguồn năng lượng “sạch” đang được thí điểm, khuyến khích này có mức giá khá hấp dẫn. Với điện mặt trời, các dự án vận hành thương mại trước tháng 7.2019 được hưởng giá ưu đãi lên đến 2.100 đồng/kWh trong vòng 20 năm. Nếu so với giá mua điện từ các nguồn điện như thủy điện (1.000 đồng/kWh), nhiệt điện (1.500 đồng/ kWh)...
Việc hoà lưới điện các dự án mặt trời của T&T Group được đánh giá là khá “nhanh chân” khi vừa qua hàng loạt các dự án khác đã bị “mắc kẹt” khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dừng đấu nối và ký hợp đồng bán điện mặt trời. Nguyên nhân do Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020 và đến nay vẫn đang phải chờ hướng dẫn mới.
Tương tự như điện mặt trời, với việc tiếp tục lấn sân sang điện gió, có thể là một bước đi “cao tay” nữa của T&T Group khi giá ưu đãi cho điện mặt trời hết thời hạn thì đến giai đoạn cao trào của điện gió. Mức giá ưu đãi lên tới gần 2.000 đồng/kWh quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là lực hút đầu tư.
Giá mua điện này áp dụng với dự án vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được quy định tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg từ năm 2011 (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent).
Với hệ thống tài chính "hùng mạnh" phía sau gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và các đối tác uy tín trên thế giới cùng tham vọng lớn, rõ ràng T&T Group có nhiều lợi thế ở sân chơi năng lượng tái tạo. Thế nhưng, mức giá cao cũng đi kèm với rủi ro. Điện mặt trời đang phải đối mặt nỗi lo quá tải lưới điện xảy ra ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Còn với điện gió, đầu tư vào lĩnh vực này khó khăn hơn điện mặt trời do chi phí đầu tư lớn, tốn kém thời gian hơn, nguồn cung thiết bị cũng khó khăn hơn.
Mặt khắc, dù đến hết tháng 10/2021 cơ chế giá ưu đãi mới chấm dứt, song ngoài T&T Group, một loạt các doanh nghiệp khác cũng đang đầu tư ồ ạt, không loại trừ khả năng một lần nữa "vỡ" quy hoạch như điện mặt trời. Đó là thách thức không đơn giản cho bước đi đầy tham vọng của bầu Hiển.
H.H (tổng hợp)