Mới đây, ông Phạm Văn Tam chủ thương hiệu đồ điện tử Asanzo cho biết, ông cùng với một nhóm nhà đầu tư đã rót 2.000 tỷ đồng vào 5 trại bò trải dài từ Hòa Bình đến Nghệ An. Nguồn bò nhập từ Australia, nuôi lấy thịt phục vụ thị trường lân cận. Phế phẩm, chất thải từ quá trình chăn nuôi sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất phân hữu cơ dựa trên công nghệ và công thức phối trộn vi sinh độc quyền đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp. Cỏ và rơm rạ cho bò ăn được thu gom từ người nông dân quanh vùng.
Các trang trại đã hoàn tất quy trình nuôi bò lấy thịt và phân phối cấp 1, đang cung cấp ra thị trường 50 tấn thịt mỗi ngày.
Trước Asanzo, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng từng có giai đoạn nuôi bò. Cụ thể, dự án nuôi bò sữa và bò thịt được HAGL công bố từ giữa năm 2014, với tổng vốn đầu tư từ HAGL lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, dự án nuôi bò sữa và bò thịt lên kế hoạch nuôi 236.000 con, dự tính tới năm 2017 sẽ chiếm tới 40% tổng đàn bò cả nước. Dự án này khi đó được kì vọng rất lớn trong việc thay đổi cơ cấu kinh doanh của tập đoàn và sớm thu lợi lớn, từ thịt bò, sữa tươi và thậm chí cả... phân bò.
Những ngày đầu, đàn bò của Hoàng Anh Gia Lai đem lại doanh thu và lợi nhuận khổng lồ, giúp công ty có thanh khoản để vượt qua giai đoạn nặng gánh nợ vay. Ngay trong quý 2/2015, là quý đầu tiên công bố doanh thu mảng bán bò, Hoàng Anh Gia Lai đã kiếm được 766 tỷ đồng, lãi 289 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận gần 38%, mức rất cao.
Sang quý 2, kết quả còn khả quan hơn khi doanh thu tăng vọt lên 1.379 tỷ đồng, lãi 394 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư rất hào hứng với kết quả này của Hoàng Anh Gia Lai.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, đến quý 2/2016 biên lợi nhuận từ bán bò tụt xuống chỉ còn 8% và sang quý 1/2017 thậm chí còn lỗ 1%.
2 năm 2015-2016, doanh thu từ đàn bò giúp HAGL kiếm hơn 6.000 tỷ đồng nhưng 2 năm 2017 và 2018, tổng doanh thu chỉ còn gần 900 tỷ đồng. Từ năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai không còn ghi nhận doanh thu từ bán bò.
Bên cạnh Hoàng Anh Gia Lai, một doanh nghiệp khác cũng sa lầy với dự án nuôi bò, là Đức Long Gia Lai. Dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của Đức Long Gia Lai được triển khai từ năm 2015 tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô. Theo đó, quy mô đàn bò hơn 33.000 con, được chia làm 2 giai đoạn, trên diện tích 1.500ha, tổng vốn 2.632 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu chiếm 20%).
Sau ba năm triển khai, chủ đầu tư đề xuất và UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho dự án điều chỉnh giảm từ 33.000 con xuống còn 1.000 con bò mẹ, bò giống.
Tổng vốn đầu tư vì thế giảm từ hơn 2.600 tỉ đồng xuống còn 100 tỉ đồng, diện tích chiếm đất còn gần 71ha. Hiện dự án đang chuyển giao, điều chỉnh thành nuôi heo.
Hà My (tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị