Cúi đầu mong bà con hàng xóm thứ lỗi
"Tôi là một tín đồ của karaoke thường hay hát tại nhà. Đúng là ồn ào thật vì hát karaoke thì không thể hát nhỏ được. Mỗi lần tôi hát phải cả xóm nghe. Nhưng sau khi đọc các bài báo của Tuổi Trẻ tôi thấy mình tệ thật vì mấy năm nay vô tình tra tấn hàng xóm, không thấy ai góp ý nên tôi tưởng mình hát hay nên càng hát to hơn.
Nay tôi đã hiểu rồi, xin hứa từ nay sẽ không hát karaoke tại nhà nữa, tha thiết cúi đầu kính mong bà con hàng xóm tha lỗi vì đã nhiều năm phá hoại môi trường sống của bà con. Xin tha lỗi đừng chửi tôi là thứ vô giáo dục. Cám ơn bà con rất nhiều" – bạn đọc ký tên Quân Q12.
Ngay lập tức, một bạn đọc xưng là Bạn đọc Cà Mau lên tiếng: "Ước gì dân xóm tôi đọc được những lời này của bạn Quân q.12"
Đừng gieo rắc "nỗi căm thù" âm nhạc
Ý thức con người không có, thì luật phải ra tay – bạn đọc Choe bức xúc: "Ủng hộ buộc karaoke phải cách âm 100%, hãy trang bị phòng cách âm rồi muốn hát hò suốt ngày khỏi ăn cơm cũng chả ai quan tâm. Tui cũng nghe nhạc, cũng chơi giutare nhưng chả hàng xóm nào nghe âm thanh lọt qua nhà họ dù nhà tui nhỏ cấp 4 cửa nẻo chả kín. Hát tra tấn mở volume hết cỡ thì tía ai mà chịu thấu"
Bạn đọc tên Lâm góp ngay tâm sự với Choe: "Tôi cũng là người yêu nhạc và rất thích nghe nhạc. Trước đây tôi có thể dành cả ngày nghỉ thậm chí thức cả đêm để nghe nhạc. Dĩ nhiên là mở volume vừa đủ để tôi nghe. Nhưng từ khi ông hung thần karaoke xuất hiện thì nói thật 100% gần một năm nay tôi không hề đụng tới giàn âm thanh của tôi. Ông hung thần này làm tôi sợ tiếng nhạc. Vì mỗi khi nghe tiếng nhạc tôi lại giật mình thon thót tưởng hàng xóm chuẩn bị hát karaoke".
Bạn thích hát nhưng tôi không thích nghe thì sao?!
Một số bạn đọc cho răng không nên cực đoan quá, hát theo giờ là được: "Làm việc cả ngày vất vả thỉnh thoảng buổi tối hát hò vài bài đến 9 giờ rưỡi không ảnh hưởng đến ai cả. Cũng như đám cưới thôi cả đời người ta mới cưới con một lần anh em bạn bè đến chơi uống nước buổi tối hát hò cho vui . Đến giờ quy định tắt là được" (Bạn đọc tên Phương)
Ngay lập tức "làn sóng" phản đối dâng cao.
"Bạn Phương, trẻ em học bài, người già bị bệnh chắc phải đợi bạn ca đến 9h30 mới được học và nghỉ ngơi hả bạn? Tôi không biết bạn có con nhỏ không nữa. Đề nghị là muốn hát thì đem loa vào nhà đóng cửa tự ca một mình bạn nghe" (Hoang)
"@Phương: Bạn làm việc tôi cũng làm việc, ai cũng cần nghỉ ngơi thư giãn. Sao biết vài bài của bạn không ảnh hưởng đến ai. Khi bạn ca hát đã đời thoả thuê thì cũng là lúc mọi người xung quanh nhận thêm những áp lực bực mình bạn vô tình trút vào người ta đó" (Thao)
Bạn đọc Trình tuyến Giang còn thách thức "Không nghe hát thì mua nút chống ồn đeo vào". Bạn đọc Phạm Hùng đáp trả: "Tôi thiết nghĩ thành phần vừa gây mất trật tự, vừa ngoan cố chống đối thì bắt bỏ tù là vừa. Ở chừng vài tháng thôi không cần nhiều, coi còn hổ báo nữa không?"
"Anh hát là quyền của anh nhưng tôi không muốn nghe anh hát hiểu chưa? Vậy nếu muốn hát thì phải làm phòng cách âm đúng chuẩn để tiếng hát của anh không chui qua nhà của tôi, hiểu chưa?" (Bạn đọc dan Sai Gon)
Loa kẹo kéo văn minh chỗ nào vậy?
Nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa về loa.
Bạn đọc tên Hung binh vực cho loa kẹo kéo: "Các bạn nói theo cảm tính và cá nhân quá rồi. Có bạn nói cấm hẳn loa kéo, vậy nếu như nhà bạn kinh doanh loa kéo thì sao? Tóm lại thế này, cấm hay phạt thì nhà nước và giới chuyên môn người ta có tầm hiểu biết rộng làm gì cũng hòa hợp mọi thứ nên các bạn không cần tính thay".
Bạn đọc Thịnh phản pháp: "@Hung: Rộng hay ko rộng thì lúc bị 8 cái loa kéo nó dập cho bung não đi rồi biết nên cấm hay không nha. Cảm tính hay không lúc nguyên xóm karaoke gào rú mà bạn đang bệnh nằm liệt giường ở nhà thì biết cảm tính đúng không".
Bạn đọc Thảo đề nghị cụ thể: "Hung, nhà bạn kinh doanh loa kéo à? Tôi đề nghị đưa kinh doanh loa kéo karaoke vào danh mục loại hình kinh doanh có điều kiện, thì sẽ siết chặt quản lý hơn; đó là ý kiến đóng góp của tôi, tôi đã nói và sẽ nói vào cuộc họp chi bộ, họp dân, họp tổ dân phố... không cần chờ giới chuyên môn gì thẩm định cả, vì nó tác động trực tiếp vào cuộc sống hằng ngày của tôi. Không góp ý xây dựng lấy đâu có sự đổi mới? Chắc vì suốt ngày bạn ngồi trong nhà hát karaoke mới suy nghĩ như vậy
Karaoke kẹo kéo có gì văn minh không? – bạn đọc Hùng Tran hỏi - Toàn gây ảnh hưởng và nhiều khi thiệt mạng con người. Nhà nước, cơ quan, chính quyền đâu? Tại sao dân thấy phiền phức và đề nghị dẹp để yên tĩnh, văn minh, mà tại sao vẫn còn tồn đọng hoài. Tại sao và vì sao lại không chịu dẹp cho dân được nhờ
Nón bảo hiểm còn bắt đeo răm rắp, karaoke chẳng lẽ bó tay?
Bạn đọc Huy Hoang nhắn nhủ chính quyền: "Đề nghị chính quyền dẹp loa kéo, tiếng ồn không khoan nhượng. Muốn hát thì phải có cách âm, không làm ảnh hưởng người khác. Ca sĩ hát mà chúng ta cũng chỉ nghe vài lần là không muốn nghe nữa, hoặc có nghe thì nghe ca sĩ khác mà lúc nghe thì chỉ để âm thanh vừa đủ nghe. Đằng này họ hát thì không hay, chỉ có gào thét.
Âm thanh họ mở maximum, gào rú 5,6 tiếng đồng hồ thì ai chịu nổi. Họ gầm rú làm xáo trộn đời sống mọi người. Mong chính quyền không quy định giờ hát gì hết, cứ hát không cách âm là phạt nặng, tịch thu loa máy.
Các chuyện lớn mà chính quyền còn làm được, có lẽ dẹp loa kéo, xóa tiếng ồn chỉ là chuyện nhỏ. Người dân chúng tôi rất mong chính quyền dẹp dẹp loạn triệt để.
Bạn đọc Hà Duy Khanh chung ý kiến: "Đúng vậy phải xử lý triệt để vấn nạn karaoke, phải có đường dây nóng chứ nói suông thì không thể làm được điều gì. Chỗ của tôi cũng gặp trường hợp là ngày nào, giờ nào cũng ca được, làm như nó khoe giọng hát của ba đời để lại vậy. Nhưng khi báo lại với trưởng ấp thì ngay ngày hôm sau là nó biết mình đã báo. Không lẽ bán nhà rồi lên rừng mà ở chứ khổ quá".
Cám ơn công an phường 2, quận 10
Ở khu tôi ở cứ cuối tuần là bị tra tấn mà không phải 1 nhà mà là 2-3 nhà hát karaoke 1 lượt, lúc đó chỉ muốn độn thổ. Cũng rất may mỗi lần ồn ào như vậy (dù chỉ 1 nhà hát karaoke thôi) là cứ gọi cho công an phường, chừng 5 phút sau thấy mấy anh CA xuống ngay xem nhà nào rồi đến nhắc nhở luôn.
Nhân tiện đây cũng cám ơn công an phường 2, quận 10, TP.HCM rất nhiệt tình trong công tác dẹp loạn Karaoke này" (Thanh VO)
TTO - Chia sẻ về vấn đề karaoke tự phát gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP đang hoàn thiện các văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức các đợt kiểm tra xử lý tiếng ồn trên diện rộng.
Xem thêm: mth.22264910271301202-ekoarak-gnor-oag-gnut-iot-iv-mox-gnah-noc-ab-iol-nix/nv.ertiout