vĐồng tin tức tài chính 365

Án lệ từ một bài báo của Pháp Luật TP.HCM

2021-03-18 06:48

Ngày 2-9-2017, Pháp Luật TP.HCM có bài: “Ai xử tranh chấp hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ?” bàn về thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ giữa người tiêu dùng với một công ty du lịch. Vụ này hợp đồng theo mẫu giữa hai bên có điều khoản lựa chọn trọng tài nước ngoài để giải quyết tranh chấp.

Án lệ từ một bài báo của Pháp Luật TP.HCM - ảnh 1
PGS - TS Đỗ Văn Đại

Vì sao đề xuất Án lệ số 42?

Bài viết phân tích theo hướng người tiêu dùng có quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là tòa án chứ không nhất thiết là tổ chức trọng tài. Sau đó, ngày 16-11-2018, TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã xử sơ thẩm và ban hành Bản án số 54 xác định việc tòa này thụ lý và giải quyết tranh chấp là đúng thẩm quyền.

Dựa trên bản án này, ngày 12-3 mới đây TAND Tối cao ban hành Án lệ số 42 về quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng mẫu có thỏa thuận trọng tài.

Đặc biệt án lệ này do PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ thuộc TAND Tối cao. Ông Đại cũng chính là chuyên gia đã phát biểu ý kiến pháp lý trong bài báo nêu trên.

Ngày 17-3 trao đổi với PV, PGS-TS Đỗ Văn Đại cho biết có nhiều doanh nghiệp cố gắng đưa điều khoản chọn trọng tài nước ngoài vào trong hợp đồng giao kết với bên yếu thế là người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ còn cách ký hoặc không mà không có khả năng thương thảo khác về cơ quan giải quyết khi có tranh chấp.

Loại thỏa thuận lựa chọn trọng tài nước ngoài như trên khá phổ biến và bất lợi cho người tiêu dùng. Bởi lẽ khi doanh nghiệp vi phạm, người yếu thế có nhu cầu khởi kiện thì phải khởi kiện ra trọng tài nước ngoài như Singapore, Hong Kong hay Paris. Họ sẽ gặp khó khăn như ngôn ngữ không là tiếng Việt, chi phí tố tụng trọng tài và chi phí đi lại, lưu trú rất cao.

Thực tế năm 2017, tòa án tại Việt Nam đã dựa vào điều khoản chọn trọng tài nước ngoài để từ chối giải quyết. Điều này khiến người tiêu dùng lo ngại khi việc khởi kiện ra trọng tài nước ngoài vượt xa khả năng của họ.

Từ những trăn trở đó, PGS-TS Đỗ Văn Đại đã tìm quyết định đề xuất bản án sơ thẩm của TAND TP Nha Trang trong vụ án này, cho phép người tiêu dùng có quyền khởi kiện tại tòa án Việt Nam mặc dù đã có điều khoản lựa chọn trọng tài nước ngoài. Đây là lý do ông Đại đã đề xuất bản án này để phát triển thành án lệ.

Án lệ từ một bài báo của Pháp Luật TP.HCM - ảnh 2

Ban hành một án lệ rất khó

Về quy trình ban hành án lệ, theo ông Đại, khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 04/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí tại Điều 2 của nghị quyết) cho TAND Tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ. Như vậy, ai cũng có thể đề xuất bản án, quyết định của tòa để phát triển thành án lệ.

Tuy nhiên, quy trình phát triển một bản án thành án lệ phải trải qua nhiều giai đoạn và việc này là cần thiết để có án lệ chất lượng.

Ông Đại kể: “Năm 2019, tôi tiếp cận được bản án này thông qua Pháp Luật TP.HCM. Đến tháng 4-2020, tôi chính thức gửi đề xuất dự thảo án lệ và đề xuất của tôi đã được TAND Tối cao xem xét và đưa vào lịch trình thẩm định”.

Sau đó, dự thảo được công bố trên cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao để xin ý kiến công chúng. Tiếp đến, tháng 7-2020, TAND Tối cao tổ chức hội thảo nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia. Tháng 1-2021, TAND Tối cao tổ chức hội đồng tư vấn án lệ với thành phần mở rộng để tiếp tục lắng nghe ý kiến. Cuối cùng, ngày 24-2, Hội đồng Thẩm phán đã thông qua dự thảo án lệ này.

Theo PGS-TS Đại, việc phát triển án lệ khá vất vả. Để phát triển thành công một án lệ phải biết được văn bản chưa ổn hay khiếm khuyết ở điểm nào. Từ đó phải tìm được một bản án, quyết định của tòa giải quyết thuyết phục về khiếm khuyết đó.

Khi đã có được bản án, quyết định thuyết phục, việc bảo vệ nó để trở thành án lệ cũng gặp nhiều khó khăn vì vẫn có những ý kiến trái chiều. “Đơn cử như trong quá trình thẩm định dự thảo Án lệ số 42 cũng có ý kiến không ủng hộ với lý lẽ hợp đồng đã được ký kết thì phải tuân thủ cho dù phải khởi kiện ra trọng tài nước ngoài. Quá trình bảo vệ các dự thảo án lệ là thời gian đòi hỏi nhiều sự đầu tư chất xám” - ông Đại nói.

Là người gắn bó nhiều năm với việc phát triển án lệ ở Việt Nam, PGS-TS Đại cho rằng án lệ là nhu cầu của cuộc sống. Hệ thống pháp luật như ở Anh, Mỹ (đại diện cho hệ thống thông luật) hay Đức, Pháp (đại diện cho hệ thống dân luật) đều sử dụng án lệ để điều chỉnh nhiều vấn đề trong xã hội.

Với thực trạng văn bản hiện nay, nhất là trong lĩnh vực dân sự, theo ông Đại, việc ban hành án lệ ở Việt Nam là rất cần thiết. Bởi khi có án lệ về một vấn đề cụ thể, khi xử sẽ thống nhất và tránh được tình trạng “tòa xử sao cũng được”.

Để phát triển hệ thống án lệ, theo PGS-TS Đại trước tiên phải có bản án, quyết định chuẩn mực của tòa án. Thực tế, việc viết án hiện nay của tòa án còn chưa tốt nên rất khó tìm được bản án, quyết định chuẩn mực. Do đó, trong thời gian tới, tòa án cần tiếp tục đầu tư vào việc viết bản án, quyết định, phải nghĩ ngay tới việc phát triển án lệ từ giai đoạn soạn án.

Một bản án, quyết định hay nhưng không được phát hiện để phát triển thành án lệ thì án lệ cũng không tồn tại. Do đó, khâu phát hiện bản án, quyết định hay cũng phải được đầu tư. Ông Đại mong muốn các đội ngũ am hiểu pháp luật như giảng viên, luật sư cần đầu tư đề xuất các dự thảo án lệ.

Nội dung Án lệ số 42

Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ giữa vợ chồng ông S. và Công ty Du lịch V. thuộc loại hợp đồng soạn sẵn do nhà cung cấp dịch vụ đưa ra, soạn sẵn quy định thỏa thuận trọng tài. Nay nguyên đơn là người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn trọng tài và yêu cầu TAND TP Nha Trang giải quyết là phù hợp Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 17 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết  01/2014/NQ-HĐTP ngày 20-3-2014 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. 

Do đó, TAND TP Nha Trang thụ lý và giải quyết tranh chấp là đúng thẩm quyền theo khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35 BLTTDS và còn trong thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 429 BLDS năm 2015, Điều 184 BLTTDS. 

 

Xem thêm: lmth.931379-mchpt-taul-pahp-auc-oab-iab-tom-ut-el-na/taul-pahp/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Án lệ từ một bài báo của Pháp Luật TP.HCM”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools