Sau hơn nửa thế kỷ, với khoảng 20 đồ án nghiên cứu dang dở, chưa bao giờ quy hoạch đoạn sông Hồng qua địa phận nội đô lại đạt được bước tiến như hiện nay. Sự chậm trễ trong xây dựng bản quy hoạch này đã khiến việc quản lý đất đai, xây dựng trở thành gánh nặng với nhiều địa phương, còn người dân thì sống tạm bợ trên chính mảnh đất của mình.
Nhiều đoạn ven sông Hồng trở thành bãi tập kết vật liệu xây dựng.
Ảnh: TRỌNG PHÚ
Giải tỏa bức xúc về nhà ở cho hàng vạn hộ dân
Qua khảo sát của PV tại các khu dân cư dọc hai bên bờ sông Hồng như Bắc Cầu (Long Biên), Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ), Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng)… cho thấy nhiều hộ dân gặp khó khăn khi xây dựng nhà ở do nằm trong hành lang thoát lũ đê tả sông Hồng.
Anh NHQ, một người dân tại Bắc Cầu (Ngọc Thụy, Long Biên), cho biết gia đình anh mua một mảnh đất sổ hồng chính chủ nhưng chỉ được phép xây dựng nhà tạm. Khi làm thủ tục xây dựng cũng khá vất vả vì phải xin giấy thỏa thuận của Sở NN&PTNT.
Ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, cho hay đây là một trong những khó khăn, vướng mắc của phường trong nhiều năm qua chưa được giải quyết.
“Các hộ dân ở đây khi xây dựng chỉ được cấp phép xây dựng tạm hoặc cải tạo nguyên trạng nhà khi xuống cấp, không được cấp phép xây dựng mới do vướng quy hoạch thoát lũ sông Hồng (theo Quyết định 257/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Điều này khiến nhiều hộ rất bức xúc cho rằng mình ở đô thị, có sổ hồng chính chủ đàng hoàng nhưng không được xây nhà kiên cố, cao tầng” - ông Văn nói.
Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy kỳ vọng nếu quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thành hiện thực, lồng ghép trong đó quy hoạch thoát lũ thì sẽ giải quyết được vướng mắc này, giúp hàng ngàn hộ dân khu Bắc Cầu ổn định cuộc sống, yên tâm xây dựng nhà cửa.
Dự thảo đồ án quy hoạch sông Hồng định hướng cải tạo, chỉnh trang, tái thiết lại 12 khu dân cư hiện có dọc hai bên sông Hồng. Các khu vực này sẽ được bổ sung hạ tầng như trường học, đường sá. Khoảng 6.000 đến 7.000 dân trong số 230.000 người dân đang sinh sống trên diện tích khoảng 1.165 ha dự kiến sẽ phải di dời.
Gỡ vướng cho hàng loạt dự án
Đồ án quy hoạch sông Hồng nghiên cứu không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha với 55 phường, xã và 13 quận, huyện. Do chưa có quy hoạch nhiều khu đất bãi ven sông Hồng nhiều năm qua bị lấn chiếm, khai thác trái phép, sử dụng thiếu hiệu quả.
Điển hình như khu vực chân cầu Thanh Trì đoạn đê hữu sông Hồng, thuộc địa phận quận Hoàng Mai, nhiều năm qua bị chiếm dụng làm nhà kho, xưởng sản xuất gỗ… Hay như khu bến Chương Dương Độ (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) bị biến thành bãi trung chuyển hàng hóa, bãi đỗ xe tải từ hàng chục năm nay trong khi khu vực này chỉ được cấp phép bãi đỗ xe tạm.
Nhiều dự án dọc sông Hồng cũng bị chậm trễ chưa triển khai được do trắng quy hoạch. Điển hình như dự án Sông Hồng City (tại Yên Phụ, Tây Hồ) đã được Hà Nội thông qua chủ trương triển khai từ năm 1992 nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt vì chưa có quy hoạch phân khu đô thị ven sông.
Hàng loạt dự án khác như dự án lớn là khu nhà ở, biệt thự của Công ty CP Him Lam, dự án sân golf, dự án cảng Giang Biên (thuộc quận Long Biên) cũng giậm chân tại chỗ vì vướng quy hoạch. Nhiều bãi đất ven sông cũng chỉ được đấu thầu, khai thác tạm thời với thời gian từ một đến năm năm nên nhiều nhà đầu tư không dám đầu tư lớn.
Ngay chính quyền của các địa phương cũng kêu khó khi muốn triển khai các dự án hạ tầng như đường sá, trường học… nhưng không được vì chưa có quy hoạch. Một lãnh đạo UBND quận Long Biên cho biết địa phương muốn mở rộng đường, làm một số con đường mới, xây trường học tại các khu dân cư ven sông Hồng như khu Bắc Cầu, Bồ Đề… nhưng chưa có căn cứ.
“Các dự án hạ tầng tại khu vực này chỉ triển khai trên cơ sở cải tạo lại hiện trạng như sửa sang, trải nhựa lại mặt đường, cải tạo lại trường học hiện có chứ không được xây mới. Vì không có quy hoạch thì không có căn cứ để xin chỉ giới để giải phóng mặt bằng, không có cơ sở để triển khai dự án mới” - vị lãnh đạo này nói.
Tháo gỡ các khó khăn, khơi nguồn lực để chỉnh trang đô thị KTS Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - đơn vị lập đồ án quy hoạch đô thị phân khu sông Hồng, khẳng định nếu quy hoạch này trở thành hiện thực sẽ tháo gỡ các khó khăn, khơi nguồn lực để chỉnh trang đô thị hai bên sông Hồng. “Khi có quy hoạch, TP sẽ kêu gọi đầu tư, chính quyền các địa phương sẽ có cơ sở để sử dụng vốn ngân sách hoặc huy động các nguồn lực từ xã hội để tiến hành cải tạo, chỉnh trang hai bên bờ sông, lúc đó sông Hồng sẽ đẹp hơn, trở thành trung tâm của thủ đô, kiến tạo một trục không gian cảnh quan xanh cho TP” - ông Huy nói. |