Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Làm tổ cho đại bàng nội”. Tiêu đề đầy tính ví von này thực chất là bàn về các giải pháp cho kinh tế tư nhân phát triển. Liên quan đến vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng.
Cần phải có môi trường đầu tư an toàn để người dân mạnh dạn đầu tư, thay vì cứ có tiền là đem mua vàng, USD. Ảnh: TL
Không cần chủ tịch tỉnh cho phép Đến nay, kinh tế tư nhân đã phát triển một cách kỳ diệu, đóng góp cho cải cách thể chế rất quan trọng. Có những thay đổi về thể chế như trong Luật DN quy định chủ tịch tỉnh không cần ký quyết định cho phép thành lập DN mà chỉ cần đăng ký kinh doanh. Từ đây đã mở ra nhiều không gian cho kinh tế tư nhân. Tôi nhớ khi làm Luật DN ngày xưa, một nữ chủ tịch tỉnh nói: Tôi là chủ tịch tỉnh, tôi biết ông A tốt, chị B xấu nên tôi cho phép ông A, không cho phép chị B. Tôi nói ngay: Luật pháp nào cho phép chủ tịch tỉnh xếp hạng công dân là tốt hay xấu? Nhiều chủ tịch tỉnh cũng e ngại nhưng rồi luật cũng thông qua và mở ra xu hướng tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân và DN. Chuyên gia kinh tế LÊ ĐĂNG DOANH Cùng doanh nghiệp lên Thủ tướng Chúng tôi đồng hành với DN. Nếu vướng mắc ở trung ương thì tỉnh cùng DN lên trung ương để kiến nghị tháo gỡ, có khi phải báo cáo cả Thủ tướng. Có như vậy thì mới giải quyết được những vấn đề trước mắt. Còn lâu dài thì phải rà soát các điểm nghẽn, chồng chéo pháp luật. Ông BÙI VĂN KHẮNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh |
Vẫn còn nhiều rào cản doanh nghiệp tư nhân
. Phóng viên: Vậy điểm đầu tiên cần phải dứt khoát là gì, thưa ông?
+ TS Nguyễn Đình Cung: Phải có một chương trình chuyển đổi hẳn, thực chất sang kinh tế thị trường, cải thiện năng lực bộ máy nhà nước chứ không nói chung chung là “cải thiện, nâng cao năng lực của cả hệ thống” nữa. Ví dụ phải có lộ trình: Hết năm 2025 kết thúc quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
. Ông hay nói đến thị trường phân bổ nguồn lực và cho rằng nguồn lực chưa có thị trường đúng nghĩa của nó. Biểu hiện cụ thể ở đâu?
+ Rõ nhất của việc phân bổ nguồn lực chưa theo thị trường là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chúng ta cải cách DNNN 30 năm rồi. Giai đoạn cho đến năm 2010 cải cách tương đối rõ nét nhưng sau giai đoạn này lại có vẻ bị hành chính hóa.
Từ đó DNNN không còn hoạt động theo tín hiệu thị trường và không có cơ chế thị trường cho họ hoạt động. Nếu cứ như vậy thì chẳng thể nào có “đại bàng, chim đầu đàn” đâu.
. Tôi biết ông từng đề xuất và phát biểu nhiều về DNNN cùng với các cơ chế cho nó.
+ Đầu tiên phải để DNNN được hoạt động như là một… DN, chứ không phải là một cơ quan nhà nước như hiện nay. DNNN, theo tôi thì hiện nay không phải là DN với đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Cách thức quản lý DNNN cũng vậy. Yêu cầu hiện nay là đưa nguyên tắc thị trường vào khối DN này.
Phải có một chương trình phục hồi, nâng cao hiệu quả DNNN. Bởi DNNN hiện đang nắm quá nhiều nguồn lực và phải để nguồn lực ấy nảy nở, phát triển, được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả.
. Còn DN tư nhân, ông có nghĩ là họ có thể trở thành “đại bàng”, “chim đầu đàn” hay “bầy rồng” như nhiều chuyên gia đã ví von?
+ DN tư nhân hiện nay vẫn đang gặp nhiều rào cản, rủi ro khiến nhiều DN ngại, không muốn làm thật, mà lý do là do cơ chế xin-cho trong phân bổ nguồn lực. Để có được thị trường phân bổ nguồn lực thì phải bỏ được xin-cho và từ đó bỏ được sân trước, sân sau.
Nếu đấu thầu vẫn còn quân xanh, quân đỏ thì có lẽ không bỏ được DN thân hữu. Trong khi đó chính DN thân hữu lại là tác nhân triệt tiêu hoặc ít nhất là làm méo mó mọi giá trị trong kinh doanh. Mà giá trị kinh doanh méo mó thì còn lâu DN tư nhân mới có thể thành rồng, thành đại bàng.
“Bộ trưởng nào không làm được việc thì cho nghỉ”
. Thưa ông, ông nhấn mạnh tới cải cách thực chất, tức là gì?
+ Đó là Nhà nước phải đi vào các vấn đề nền tảng của cải cách, đột phá, phải xác định đúng những nút thắt mà khi tháo ra được thì cả DN tư nhân, nền kinh tế và cả hệ thống phải chạy được ngay.
Đơn cử như việc phải chọn các dự án hạ tầng cốt tử. Việt Nam hiện xuất khẩu mỗi năm 500-600 tỉ USD. Vậy giao thông kết nối, các cảng biển là rất quan trọng vì nó sẽ giải phóng nhanh chứ không làm ách tắc hàng hóa. Vậy phải đột phá vào lĩnh vực này trước tiên.
. Có thể thấy rõ là các dự án hạ tầng giao thông, như cao tốc đường bộ Bắc - Nam được tiến hành gấp rút từ cuối năm 2020. Nhưng để quyết định được cũng không phải dễ dàng gì...
+ Phải thay đổi về cơ cấu - tổ chức, tăng cường bộ phận đầu não, tư duy. Đặc biệt, nhiều cơ quan nhà nước nên bỏ bớt quyền thuộc về mình như quyền quyết định các dự án, hay quyền làm chủ đầu tư cũng phải thay đổi.
Làm vậy mới khắc phục được sức ỳ từ chính các bộ, ngành. Bộ trưởng nào không biết làm việc thì Chính phủ và Thủ tướng “cung cấp” tư duy, ý tưởng, kể cả là giải pháp cho họ. Bộ trưởng, tư lệnh ngành nào không làm được việc thì thậm chí phải cho nghỉ. Không có tiêu chí nào tốt hơn là hiệu quả. Không thể xuề xòa trong cách đánh giá được.
. Tôi hiểu, còn nhiều vấn đề cần nói đến, kể cả từ việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra cho đến khuyến khích DN phá sản, khởi kiện…
+ Tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng nhiệm kỳ tới nên bắt đầu bằng việc sửa Luật Đất đai để trước hết là thay đổi cách quản lý, sử dụng nguồn lực này. Luật Đầu tư công cũng phải sửa như tôi và nhiều người từng kiến nghị.
Bước đầu làm những việc như vậy, tôi khẳng định là sẽ có những chuyển biến mạnh. Khi đó, chẳng những DN tư nhân mà cả nền kinh tế cũng phát triển.
. Xin cám ơn ông.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG: Tôi rất sốt ruột
Khu vực kinh tế tư nhân đang còn nhiều vướng mắc, rào cản, nút thắt, điểm nghẽn mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông được.Đó là khả năng tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng của các DN nhỏ rất hạn chế, hơn nữa là bản thân họ chưa sẵn sàng. Do vậy chưa giải phóng được nguồn lực từ tư nhân mặc dù nguồn lực này rất lớn. Vì thế phải thay đổi từ tư duy, tạo sự thân thiện, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Công tác xây dựng thể chế phải thay đổi theo hướng kiến tạo để DN phát triển. Từ đó khơi thông, giải phóng điểm nghẽn, nguồn lực, để DN tư nhân, DN nhỏ phát triển, nhà đầu tư yên tâm đầu tư thay vì mua vàng, USD, đất đầu cơ chứ không đầu tư vào công nghệ, phát triển lên tầm mới. Chúng ta có thể không vượt qua bẫy trung bình nếu không thay đổi nhanh. Tôi rất sốt ruột. Bà HƯƠNG TRẦN KIỀU DUNG, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC: Ba yếu tố để doanh nghiệp tư nhân đầu tư
Khi đầu tư vào bất kỳ địa phương nào, DN luôn cần ba yếu tố. Trước hết quỹ đất, thứ hai là cơ sở hạ tầng giao thông, thứ ba là nguồn lao động địa phương. Yếu tố quan trọng nữa là ứng xử, tương tác của chính quyền địa phương với DN. Các DN luôn cần sự chân thành, sự đối xử công bằng của các địa phương. Nhiều địa phương đón nhà đầu tư ngoại thì cam kết giao mặt bằng sạch, trong khi các nhà đầu tư trong nước có quy mô tương tự lại không nhận được những cam kết như vậy. Ông VŨ THANH THẮNG, Phó Chủ tịch BKAV: Cần có những tập đoàn dẫn dắt
“Đại bàng”, tức là DN dẫn dắt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước có lịch sử tương đồng Việt Nam như Hàn Quốc đều chú trọng phát triển các tập đoàn đầu đàn. 5-6 tập đoàn của Hàn Quốc chiếm 50%-60% GDP nước này. Nước ta nếu xây dựng được 5-6 tập đoàn như Hàn Quốc thì nên đầu tư. Trung Quốc cũng có những tập đoàn dẫn dắt như ZTE, Xiaomi, Huawei… Chúng ta phải có những “đoàn đại bàng” thì mới thành công. Mà như thế thì cần đầu tư, phát triển hạ tầng về công nghệ, nhân lực, vốn và thị trường để các “đại bàng” làm tổ. MINH ANH |