Trang trại bò mà ông Lê Văn Tam – Chủ tịch công ty Asanzo chọn làm nơi để ra mắt thương hiệu phân bón hữu cơ Ba con bò nằm tại xã Yên Mông, Hòa Bình. Theo giới thiệu, trang trại bò được tổ chức theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không có nước thải, không có phế phẩm.
Nguồn bò nhập từ Australia, nuôi lấy thịt và được các lò mổ phân phối đến điểm bán. Phế phẩm, chất thải từ quá trình chăn nuôi sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất phân hữu cơ dựa trên công nghệ và công thức phối trộn vi sinh độc quyền đã đăng ký với bộ Nông nghiệp.
Ông Tam cho biết, chuỗi trang trại hiện giờ có 3 cơ sở ở Hòa Bình, 1 trang trại ở Nghệ An và 1 trang trại ở Mộc Châu Sơn La. Vốn đầu tư cho 5 trang trại này là 2.000 tỷ, với chi phí lớn nhất là bò và công nghệ, còn đất đai được địa phương hỗ trợ nhiều. Trang trại thu mua rơm rạ, thân ngô của nông dân với giá 1.000 đồng/kg để bổ sung làm thức ăn cho bò.
Khu vực ủ thức ăn cho bò
Quan sát thực tế tại trại bò (được giới thiệu có 5.000 con), số lượng công nhân rất ít. Ông Tam cho biết, trang trại chỉ có 7 nhân công, còn lại đều dùng máy. Điểm đặc biệt của trang trại này là khu vực nuôi bò không có mùi hôi thối mà chỉ có mùi chua của cỏ ủ men kích thích tiêu hóa cho bò.
Chuồng nuôi bò
Dẫu vậy, khu vực đóng bao phân hữu cơ thì không thể tránh khỏi mùi đặc trưng.
Hệ thống đóng bao sản xuất phân hữu cơ Ba con bò
Cũng theo ông Tam, mỗi ngày trang trại này cung cấp 40-50 tấn thịt bò cho thị trường. Các lò mổ phải đáp ứng tiêu chuẩn giết mổ nhân đạo của nhà cung cấp bò bên Úc mới được chấp thuận, đồng thời được giám sát qua thiết bị định vị gắn trên con bò và camera.
Cùng với thịt, trang trại sản xuất 400 tấn phân hữu cơ mỗi ngày. Ông Tam cho hay, giá bán của loại phân hữu cơ Ba Con Bò thấp hơn 60% so với phân hóa học trên thị trường, và do đó ông Tam hy vọng có thể thay đổi thói quen sử dụng phân bón của người nông dân, nhằm hạn chế việc đất đai bạc màu do lạm dụng phân hóa học.
"Tôi làm phân giá rẻ để tạo thói quen cho người nông dân, có những vùng, tôi cho họ dùng miễn phí. Hoặc tôi dùng hàng đổi hàng. Ví dụ, họ trồng trái cây, tôi có một công ty kinh doanh trái cây, tôi có thể đổi phân lấy trái cây của người nông dân và đem bán" – Ông Tam nói.
Ông chủ của Asanzo khẳng định mình chấp nhận có thể lỗ hoặc hòa vốn đối với mảng phân hữu cơ để tạo thói quen cho người nông dân trong ít nhất 2 năm.
"So với làm ngành hàng điện tử thì tôi thích làm nông nghiệp hơn. Bản chất của tôi xuất phát từ nông dân. Lĩnh vực điện tử cũng là làm với người nông dân,. Có một điều nhức nhối là cứ năm nào người nông dân được mùa thì họ có tiền mua đồ điện tử của mình, còn mất mùa thì họ không mua nữa, mình chết theo. Vì thế phải giải bài toán làm sao để người nông dân có thu nhập ổn định, họ giàu thì mình mới tiêu thụ được hàng" – Ông Tam chia sẻ.
Tuy nhiên, một cái tên xuất hiện bên cạnh Asanzo trong buổi lễ ra mắt thương hiệu phân hữu cơ Ba Con Bò là T&T 159. Thực tế, ông Tam cũng xuất hiện với vai trò là Chủ tịch HĐQT công ty 159 miền Nam.
Theo chia sẻ của ông Lê Văn Tam, Asanzo đã đầu tư vào T&T 159 được 2 năm và T&T 159 là đơn vị quản lý trang trại bò này. Ông Tam cũng hướng tới việc nâng quy mô chuỗi lên 10 trang trại và chứng minh hiệu quả kinh tế của mô hình để rồi trong vòng 3-5 năm nữa, sẽ đưa T&T 159 lên sàn chứng khoán.
Ông Lê Như Toản – Chủ tịch HĐQT của T&T 159 được ông Tam giới thiệu là người đồng hương, bạn lâu năm và là người vô cùng đam mê bò. Ông Tam cũng chia sẻ, cái tên T&T xuất phát từ việc tên của những người sáng lập ra công ty đều bắt đầu bằng chữ T.
Ông Lê Như Toản – Chủ tịch HĐQT của T&T 159. Ảnh: Ngọc Thành
Thông tin chúng tôi được biết, theo dữ liệu năm 2016, trong cơ cấu cổ đông của T&T 159 các cổ đông sáng lập gồm ông Lê Như Toản nắm 61,7% cổ phần, ông Đỗ Đức Tùng nắm 10%, ông Đỗ Thế Thắng (hiện là Tổng giám đốc của công ty) nắm 10%.
Theo giới thiệu trên website, Công ty cổ phần T&T 159 thành lập từ năm 2012 và đã thực hiện đầu tư hệ thống trang trại và nhà máy sản xuất thực ăn và tổ chức chăn nuôi tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An.
Hồi cuối năm 2019, Báo đầu tư có bài phỏng vấn Chủ tịch CTCP T&T 159 – khi đó là ông Hà Văn Thắng, nói về trang trại ở Yên Mông với khu trải nghiệm giáo dục rộng khoảng 10 ha, ôm ven khu trại bò giống chất lượng cao và trại bò nuôi lấy thịt của Công ty T&T 159.
"Mấy năm nay, chính xác là từ năm 2016, khi ông và những người bạn tên T. lập Công ty T&T 159, bước chân vào chăn nuôi gia súc, ông bị gán biệt danh là... Thắng chăn bò. Bất cứ ở đâu có nói chuyện đến bò, đến thức ăn chăn nuôi, thậm chí là phân bò, thể nào cũng thấy ông quanh đó. Rồi ông mời bằng được mọi người đến Yên Mông, để ngồi uống trà, thưởng hoa hồng, thả bộ thăm trại bò cách đó vài trăm mét, rồi tới nơi sản xuất thức ăn chăn nuôi, nơi sản xuất phân hữu cơ vi sinh..." – Bài báo viết.