Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết vừa qua đơn vị này tiếp nhận một trẻ nam (12 tuổi, ở Hà Nội) vào cấp cứu trong tình trạng chấn thương vùng bìu (sát tầng sinh môn) do bị bút bi đâm gây sưng to, đỏ.
Theo lời kể từ gia đình bệnh nhi, sự việc xảy ra tại lớp học, khi trẻ đứng lên phát biểu, một bạn cùng bàn đã trêu đùa đặt cây bút bi dưới ghế. Trẻ ngồi xuống thì bị cây bút bi chọc thẳng vào vùng bìu, sát tầng sinh môn.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi các bác sĩ thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng phát hiện có dị vật là đầu bút bi nằm trong vùng bìu, trẻ được chỉ định mổ cấp cứu lấy dị vật.
Đầu bút bi cắm vào vùng bìu bé trai được lấy ra sau phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy được dị vật là đầu chiếc bút bi và mảnh nhựa của bút bi bị vỡ, không có tổn thương niệu đạo và hậu môn trực tràng.
“Trường hợp này rất may do đầu bút bi không đâm sâu nên trẻ chỉ bị tổn thương phần mềm tại chỗ. Nếu dị vật đâm sâu hơn có thể gây ra tổn thương ở niệu đạo hoặc đâm thủng trực tràng. Khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề, thậm chí gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ sau này” – Bác sĩ BV Nhi chia sẻ.
Sau 3 ngày điều trị kháng sinh chống viêm, vết mổ của bệnh nhi khô, tình trạng sức khỏe ổn định.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận rất nhiều trường hợp tai nạn học đường.
Việc thanh thiếu nhi lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” hiếu động, tinh nghịch, không may bị tai nạn thương tích là chuyện khá phổ biến. Các tai nạn này chủ yếu do vô tình, xảy ra ngoài ý muốn nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí để lại hậu quả nặng nề. Các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ đồng thời cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra để trẻ biết bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh.