Trong các ngày 16 đến 17-3, Hội thảo "Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 3 về tăng cường hợp tác thực thi luật pháp trên biển" do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Ủy ban châu Âu tổ chức, đã diễn ra theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Hội thảo có sự tham dự của các quan chức, nhà nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành về an ninh và thực thi pháp luật trên biển đến từ các nước, tổ chức tham gia ARF, các tổ chức khu vực và quốc tế.
Phía đầu cầu Việt Nam. Ảnh: BNG
Tại phiên khai mạc, với tư cách đồng chủ trì và Trưởng đoàn Việt Nam, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy đối thoại, hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức an ninh ở khu vực, trong đó có an ninh biển.
Do biển và đại dương đóng vai trò quan trọng với tất cả các nước, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh các nước đều chia sẻ lợi ích chung trong việc bảo đảm mọi vùng biển hòa bình, an ninh, an toàn và trong sạch. Vì mục tiêu này, các nước cần tiếp tục hợp tác với nhau, trong đó có hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật.
Về tình hình và những phát triển liên quan thời gian qua, hội thảo ghi nhận cùng với việc các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đẩy mạnh hoạt động, nguy cơ xảy ra va chạm, sự cố cũng gia tăng tương ứng.
Theo đó, thời gian qua đã có nhiều thảo luận, trao đổi trong kênh học giả về khả năng xây dựng các quy tắc hướng dẫn, hoạt động chung áp dụng nhằm giảm nguy cơ sự cố, hiểu nhầm và tính toán sai, trong đó có đề xuất đưa ra tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 tổ chức tháng 11-2020.
Một khía cạnh đáng quan tâm khác là việc sử dụng vũ lực trong thực thi pháp luật trên biển.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều học giả nhấn mạnh tuy luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Luật biển có điều khoản cho phép sử dụng vũ lực khi thi hành công vụ, song điều này chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết và phù hợp, kèm theo các hạn chế cần thiết, là biện pháp cuối cùng sau khi mọi biện pháp khác đã được thực hiện, cũng như việc sử dụng vũ lực cần tuân thủ các nguyên tắc, quy trình chung, đặc biệt tránh gây nguy hại tới tính mạng.
Ngoài ra, việc sử dụng vũ lực chỉ tiến hành trong vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia, còn nếu tại vùng biển đang có tranh chấp thì việc này rất nhạy cảm, dễ dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng.
Tham gia tại đầu cầu Hà Nội gồm đại diện các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu của Việt Nam cũng như Đại Sứ quán các nước tham gia ARF. Ảnh: BNG
Tại Hội thảo, các diễn giả, đại biểu đã trao đổi và chia sẻ về nhiều mô hình hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như tại Địa Trung Hải, ngoài khơi Somalia, các khuôn khổ ứng phó với các thách thức biển xuyên quốc gia, như tội phạm buôn bán người, buôn lậu ma túy, vũ khí, khủng bố, hay phòng chống đánh bắt cá trái phép, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển…
Mô hình và biện pháp hợp tác rất đa dạng, từ chia sẻ thông tin, tình báo, lập các kênh liên lạc nóng, xây dựng cơ chế theo dõi, quan sát chung, thực hiện tuần tra chung, hay xây dựng các quy tắc ứng xử.
Để tạo cơ sở cho hợp tác, các đại biểu cho rằng cần tích cực triển khai những biện pháp xây dựng lòng tin, hiểu biết lẫn nhau giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển.
Tại Đông Nam Á, ASEAN đã xác định hợp tác và an ninh biển là một lĩnh vực ưu tiên trong Tài liệu quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài trong lĩnh vực này.
Về định hướng hợp tác thời gian tới, hội thảo ghi nhận nhiều đề xuất, khuyến nghị đã được đưa ra, tập trung vào sự cần thiết của việc xây dựng các nguyên tắc hướng dẫn, quy tắc giúp ngăn ngừa va chạm, sự cố, ứng dụng công nghệ mới để hỗ trợ hoạt động, nâng cao năng lực, trang thiết bị, cũng như điều chỉnh cần thiết để phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh.
Nội dung thảo luận và khuyến nghị sẽ được tóm tắt và báo cáo lên Cuộc họp lần thứ 12 của Nhóm Công tác của ARF về An ninh biển, dự kiến vào tháng 4-2021.