Giáo viên khối lớp 2 các trường tiểu học Q.11, TP.HCM hội thảo trực tuyến về sách giáo khoa lớp 2 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chủ tịch Hội đồng lựa chọn SGK cấp tiểu học - cho biết mỗi hội đồng bộ môn có 19 thành viên bao gồm một số cán bộ quản lý, chuyên viên cấp sở, phòng GD-ĐT, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường tiểu học. Còn lại đa số thành viên là các giáo viên giỏi nghề, chuyên môn vững vàng, am hiểu môn học.
Bỏ phiếu kín
Theo ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT, chủ tịch Hội đồng lựa chọn SGK bậc THCS ở TP.HCM, trước khi họp hội đồng chọn sách các thành viên sẽ có thời gian nghiên cứu SGK ít nhất bảy ngày.
"Sau khi nghiên cứu, mỗi thành viên sẽ chuẩn bị ý kiến bằng văn bản nhận xét về tính phù hợp của mỗi đầu sách về quan điểm, mục tiêu xây dựng chương trình, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục, phương pháp dạy học với dẫn chứng, minh chứng cụ thể.
Sau đó hội đồng sẽ tổ chức họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các cơ sở giáo dục quận, huyện đề xuất. Chúng tôi sẽ bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học" - ông Nam nói.
Ngoài ra, ông Nam cho biết hội đồng chọn sách sẽ lựa chọn SGK theo 2 tiêu chí. Đầu tiên là SGK phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Trong đó, nội dung SGK phải đạt yêu cầu cung cấp kiến thức hiện đại và có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hằng ngày của học sinh. Yêu cầu là nội dung SGK phải có tính gợi mở, tạo cơ hội cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
"Tiêu chí thứ hai khi hội đồng lựa chọn SGK là phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại các trường. Tức là phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng tốt và phát huy thế mạnh về CNTT - truyền thông trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến yếu tố SGK tạo điều kiện để phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ quản lý và giáo viên, tổ chức dạy học theo định hướng phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh.
Đáp ứng tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy - học tập, kiểm tra - đánh giá, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế, hướng đến giáo dục thông minh" - ông Nam nhấn mạnh.
Đề xuất sách phù hợp nhất với trường
"Trường chúng tôi đã tiến hành cho các giáo viên đọc, nghiên cứu rồi thảo luận, nhận xét về các bộ SGK lớp 2, đồng thời đã có văn bản báo cáo gửi về phòng GD-ĐT.
Nhìn chung, mỗi bộ SGK đều có ưu và khuyết điểm khác nhau. Chúng tôi đề xuất chọn bộ Chân trời sáng tạo vì thấy nội dung SGK này có những hình ảnh, câu, từ, ngữ cảnh... gần gũi với học sinh TP.HCM.
Đặc điểm này sẽ là một điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong quá trình giảng dạy" - ông Từ Quốc Tuấn, hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, quận 3, chia sẻ. Ông Tuấn nói thêm hiện các giáo viên chỉ đề xuất một bộ sách mà họ thấy phù hợp nhất với trường.
Cô K. - giáo viên môn ngữ văn ở Q.Tân Bình - nhận định: "Cả ba đầu sách môn ngữ văn lớp 6 thuộc bộ Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống đều có những điểm nổi trội khác nhau.
Sách ngữ văn Chân trời sáng tạo có điểm nổi bật là viết theo chủ điểm, thể hiện tính "mở" khá rõ ràng và kết nối văn chương với cuộc sống.
Tôi nghĩ nếu TP.HCM chọn sách này thì giáo viên bắt buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy năng lực - phẩm chất của học sinh.
Bởi nội dung cuốn sách yêu cầu người dạy phải tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh trong quá trình dẫn dắt các em đến với tri thức".
Giáo viên này nói thêm: "Sách ngữ văn 6 thuộc bộ Cánh diều có ưu điểm là biên soạn theo thể loại văn kể - miêu tả, văn nghị luận, văn thuyết minh...
Nội dung sách có vẻ như kế thừa khá nhiều nội dung bộ SGK ngữ văn hiện hành. Vì vậy, nó có cảm giác quen thuộc và dễ chịu. Tôi cho rằng điều quan trọng khi chọn sách là hội đồng đưa tiêu chí nào lên đầu tiên mà thôi".
Thành viên chọn sách "không bị chi phối điều gì"
Một số cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM làm cố vấn trong quá trình biên soạn SGK bộ Chân trời sáng tạo, điều này có ảnh hưởng như thế nào trong quá trình chọn sách? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Hoài Nam khẳng định: "Hội đồng chọn sách sẽ làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch, nghiêm túc và trách nhiệm. Tất cả thành viên trong hội đồng bộ môn không bị chi phối bởi một điều gì. Kết quả của mỗi cuộc họp hội đồng đều được lập thành biên bản và được công khai tại hội đồng".
TTO - Để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 vào năm học tới, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương phải chọn xong sách giáo khoa trước ngày 5-4.