Tiếp tục tranh luận xung quanh việc phát triển năng lượng tái tạo
Lan Nhi
(KTSG Online) - Khi Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII để trình Chính phủ, hàng loạt bộ, ngành, thậm chí cả các đơn vị trong ngành điện, đã nêu yêu cầu bản quy hoạch này phải hạn chế sự phát triển của nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), tránh tình trạng phát triển quá mức như thời gian qua.
Việc tiếp tục phát triển NLTT trong thời gian tới ở mức bao nhiêu là hợp lý hay hạn chế hơn nữa đang là cuộc tranh cãi kéo dài khi xây dựng Dự thảo Quy hoạch điện VIII Ảnh: Huỳnh Kim |
Nhiều bộ ngành đề nghị hạn chế
Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN), Bộ KH-CN và các Tổng công ty (TCT) truyền tải điện, TCT điện lực miền Trung, trong dự thảo về Quy hoạch điện VIII, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh. Năm 2045, tỷ trọng nguồn NLTT gồm cả thủy điện lớn đạt 53%.
Tuy nhiên, nguồn NLTT từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh và đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Do đó, các đơn vị này đề nghị rà soát tỷ lệ nguồn NLTT các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 phù hợp với mục tiêu đặt ra.
Tại Nghị quyết số 55/2020 của Bộ Chính trị đã quy định “Tỉ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045”. Cần xem xét hạn chế việc phát triển NLTT với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền. Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bên nói trên đề nghị giảm tỷ lệ NLTT cho phù hợp với Nghị quyết 55, tức là chỉ đạt mức 15-20% (2030) và từ 25-30% (2045).
Giải trình về vấn đề này, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), nơi chấp bút quy hoạch cho biết họ tiếp thu ý kiến về các tồn tại của NLTT và khẳng định việc nguồn năng lượng này nên phát triển có lộ trình, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Quy mô NLTT tính toán đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện đã phù hợp với mục tiêu NLTT trong Nghị quyết 55. Cụ thể, tỷ lệ NLTT trong Nghị quyết 55 là tỷ lệ nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp. Mức tỷ lệ này tương ứng với tỷ lệ điện năng của NLTT trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoàng 30% (2030) và 45% (2045).
Mục tiêu phát triển NLTT theo Chiến lược phát triển nguồn NLTT của Việt Nam giai đoạn 2030, định hướng đến 2050 (2015) đạt 32% (2030) và 43% (2050). Khi đưa ra chính sách về mục tiêu NLTT là tỷ lệ thấp nhất phải đạt được. Mô hình quy hoạch lựa chọn phát triển NLTT vượt mức thấp nhất, chứng tỏ chi phí đầu tư của nguồn NLTT dự báo dự báo trong tương lai thấp. Việc tăng cường phát triển NLTT hơn so với mục tiêu vẫn đảm bảo là phương án nguồn điện có chi phí thấp nhất.
Còn theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì liên quan đến dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn đến 2030, tỷ lệ dự phòng thô của hệ thống điện (bao gồm cả các nguồn điện NLTT) là tương đối cao, khoảng 70% (2025) và 60% (2030). Điều này dẫn đến việc các nhà máy nhiệt điện than và khí sẽ có Tmax (hiệu quả sản xuất điện năng trung bình) hàng năm thấp, có thể phải cắt giảm công suất các nguồn điện NLTT tại một số thời điểm cũng như không tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn điện khác như nhiệt điện khí tự nhiên, thủy điện.
Do đó cần xem xét, đánh giá kỹ vấn đề nêu trên để có đề xuất phát triển nguồn điện phù hợp. Và sớm có kế hoạch liên kết lưới điện khu vực để mua bán, trao đổi điện năng giữa các nước, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, tránh trường hợp lãng phí, không hiệu quả trong đầu tư.
Viện năng lượng cho rằng, Viện đã xem xét các vấn đề nêu ra, các nguồn điện gió, mặt trời không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết nên thường sẽ không tính tới trong dự phòng công suất của hệ thống điện. Nếu không tính công suất của điện gió, mặt trời thì dự phòng của hệ thống điện trong các năm 2025, 2030 là 24% và 16,1% đối với phụ tải cơ sở và 21% và 14,7% đối với phụ tải cao, đây là các con số phù hợp .
Nhiều tổ chức lại muốn phát triển mạnh hơn
Ở chiều ngược lại, các tổ chức nước ngoài như Đại sứ quán Đan Mạch, các tỉnh có quy hoạch nhiệt điện than và Liên minh năng lượng đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới. Họ lại đề nghị ưu tiên phát triển NLTT, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió. Các đơn vị này đề nghị những dự án nhiệt điện than dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG.
Trả lời về vấn đề này, cơ quan xây dựng Dự thảo Quy hoạch điện VIII cho biết, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng, đây là những dự án đã thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt mà không thể loại bỏ. Ví dụ như Nhiệt điện (NĐ) Nam Định I, NĐ Thái Bình II, NĐ Vũng Áng II, NĐ Vân Phong I, NĐ Duyên Hải II....
Sau 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao. Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ như sau: Trong giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng công nghệ NĐ than siêu tới hạn trở lên, giai đoạn từ 2025-2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn (USC) trở lên, và sau năm 2035 chỉ xây dựng nhiệt điện than trên siêu tới hạn cải tiến (AUSC). |
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải với chi phí không quá cao, hệ thống vẫn cần phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn như vậy, và chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng.
Ngoài ra, chi phí sản xuất điện của nguồn điện LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều (chi phí hệ thống sẽ tăng khoảng 2 tỉ đô la Mỹ /năm so với kịch bản chọn), không phù hợp với tiêu chí quy hoạch nguồn điện theo chi phí tối thiểu đã đặt ra.
Kịch bản phát triển nguồn điện lựa chọn đã đảm bảo các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính theo các chính sách hiện hành. Nếu phát triển tăng thêm nguồn NLTT, thì chi phí hệ thống sẽ cao hơn (kịch bản tăng NLTT sẽ cao hơn khoảng 1 tỉ đô /năm so với kịch bản chọn), không phù hợp với tiêu chí quy hoạch nguồn điện đặt ra.
Công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển và tiến bộ vượt bậc nhằm đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường.
Vì vậy, với công nghệ hiện đại của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay ngoài hiệu suất có thể lên đến hơn 50%, tiêu hao ít nhiên liệu và tài nguyên thì công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng đạt hiệu suất cao tương ứng có thể xử lý để giảm tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nhiều dự án còn nằm gần các đô thị lớn như ở Úc, Nhật Bản, Đức.
Thực tế cho thấy, phát thải từ nhà máy hiện được kiểm soát bởi hai lớp tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn nguồn thải quy định nồng độ phát thải khí thải tại nguồn và tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh áp dụng để kiểm soát nồng độ phát thải các loại khí thải trong không khí xung quanh nên phát thải ở mức rất thấp và được kiểm soát bằng hệ thống giám sát tự động về các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Do đó, nồng độ các khí thải sẽ các cơ quan quản lý môi trường địa phương. Do đó, nồng độ các khí thải sẽ được kiểm soát ở ngưỡng không gây hại đến sức khỏe con người.
Xem thêm: lmth.oat-iat-gnoul-gnan-neirt-tahp-ceiv-hnauq-gnux-naul-hnart-cut-peit/276413/nv.semitnogiaseht.www