Sự đổi mới đã càn quét thị trường tài chính của Trung Quốc trong thập kỷ qua, tạo ra một số công ty công nghệ giá trị nhất thế giới như Ant Group. Trong đó, P2P là hoạt động đáng lo ngại nhất và có nhiều trường hợp lừa đảo. Các nhà quản lý đang hướng sự chú ý tới fintech, nhưng họ hy vọng đạt được điều gì?
Tốc độ tăng trưởng vượt trội của các fintech Trung Quốc
Sự trỗi dậy của fintech như ở Trung Quốc chưa từng diễn ra ở những nơi khác. Tiền mặt gần như biến mất và được thay thế bằng thanh toán di động, QR code. Các tập đoàn công nghệ đã xử lý 210 triệu NDT (khoảng 32 triệu USD) lượt thanh toán trong 9 tháng đầu năm 2020, gấp đôi năm 2016.
Người tiêu dùng thường quản lý các sản phẩm tài chính hoặc mua bảo hiểm ngay trên điện thoại của họ, vay để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Các công ty công nghệ đã giúp môi giới hàng nghìn tỷ NDT trong các khoản vay vi mô vào năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng nhanh đó đã vượt xa khả năng quản lý. Một cựu Chủ tịch của thành phố Trùng Khánh phàn nàn rằng Ant đã sử dụng sự độc quyền để bảo đảm các khoản vay 3 tỷ NDT nhiều lần từ đó huy động hơn 300 tỷ NDT. Các quan chức NHTW đang vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan, thừa nhận rằng quy định đã "trục trặc".
Chính phủ Trung Quốc đang khắc phục điều đó. Những nỗ lực của họ có thể mang lại kết quả đáng kể. Chỉ cần nhìn vào mảng P2P - nơi tình trạng gian lận lan rộng và các vụ bê bối hàng tỷ USD đã thu hút sự chú ý của các nhà quản lý vào năm 2016. Lĩnh vực này đã bị "xóa sổ" diện rộng.
Dư nợ từ gần 7.000 nền tảng đã giảm từ khoảng 1 triệu nhân dân tệ vào tháng 5 năm 2018 xuống còn một nửa vào năm 2019. Theo các nhà quản lý, tất cả các nền tảng đã đóng cửa vào tháng 11 năm ngoái. Mất mát đã khiến một số hộ gia đình bị thiệt hại.
Dư nợ cho vay p2p đã giảm mạnh sau khi nhà nước tham gia vào quản lý (Nguồn: The Economist)
Chiến dịch đã tiếp tục nhắm mục tiêu các hình thức tài chính mang tính công nghệ khác. Đỉnh điểm của chiến dịch là các nhà quản lý đã tạm dừng đợt IPO trị giá 37 tỷ USD 2 ngày trước khi chính thức niêm yết vào tháng 11/2020. Gavekal Dragonomics, một công ty tư vấn, đã kết luận sau sự kiện này, "kỷ nguyên fintech của Trung Quốc hiện đã kết thúc". Vào ngày 12/3, Simon Hu, giám đốc điều hành của Ant, đã trở thành nhân sự cấp cao mới nhất rời công ty.
Hoạt động kinh doanh bị kiểm soát chặt chẽ
Những quy tắc cuối cùng được công bố vào tháng 2 sẽ có hiệu lực vào năm tới. Ngược lại với p2p, họ không tìm cách kiểm soát hoạt động những gã khổng lồ fintech. Thay vào đó, nhà nước có 3 mục tiêu chính cho giai đoạn tiếp theo của fintech. Đầu tiên là kiểm soát đòn bẩy liên quan tới công nghệ. Tiết lộ trong bản cáo bạch vào tháng 7, Ant đã tạo điều kiện cho các khoản vay 1,73 triệu NDT ngoài bảng cân đối kế toán. Mô hình này được sao chép bởi các công ty công nghệ khác, khuyến khích các công ty môi giới các khoản vay vi mô với một khoản phí. Tuy nhiên, họ hầu như không gặp rủi ro nếu người vay không trả được nợ.
Các quy tắc mới sẽ khiến Ant và những nhà cho vay khác có hoạt động giống các ngân hàng hơn. Họ chỉ cung cấp tiền cho ít nhất 30% các khoản vay mà họ thực hiện. Tính đến tháng 6, Ant chỉ đưa 2% vốn vào hoạt động kinh doanh các khoản cho vay vi mô, công ty này đã giữ chi phí vốn thấp và hạn chế khả năng mắc nợ xấu.
Bản thân Ant cũng đang chuyển đổi các hoạt động fintech tự do của mình thành một công ty cổ phần tài chính. NHTW cho biết họ muốn công ty này "quay về gốc rễ". Điều đó đồng nghĩa rằng các hoạt động kinh doanh ngoài thanh toán của Ant, chẳng hạn như bảo hiểm, quản lý tài sản và cho vay tiêu dùng, sẽ bị cắt bỏ.
Mục đích thứ hai của nhà nước là kiểm soát dữ liệu. Nhiều tập đoàn công nghệ vận hành mạng lưới dịch vụ rộng lớn — từ mua sắm và gọi xe đến giao đồ ăn và dịch vụ y tế — thu thập hàng chục điểm dữ liệu từ hàng trăm triệu người dùng mỗi ngày. Chính những dữ liệu này đã giúp họ có được những thẩm định tín dụng cho các khoản vay. Một cố vấn đã xem dữ liệu hiệu suất cho vay của Ant cho biết mô hình dữ liệu của Ant phần lớn được duy trì ngay cả khi kinh tế Trung Quốc suy thoái tồi tệ nhất trong thời kỳ đầu bùng phát Covid-19.
Mục tiêu thứ ba của chính phủ đóng vai trò tích cực hơn trong lĩnh vực fintech, nhưng gây nhiều tranh cãi hơn. Nếu không có sự trợ giúp từ các công ty công nghệ, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng chắc chắn sẽ dao động khoảng 22% trong bảng cân đối kế toán của họ, mức trung bình của ngành trong thập kỷ qua. Một nhà tư vấn làm việc với các công ty công nghệ cho biết nếu chỉ giao dữ liệu cho chính phủ thì không đủ để thúc đẩy hoạt động cho vay.
Dữ liệu sẽ mất giá trị khi bị tách khỏi mạng lưới tương tác hàng ngày do các công ty công nghệ lưu trữ. Do đó, nhiệm vụ của các nhà quản lý là giữ cho các ngân hàng và các công ty công nghệ được kết nối với nhau. Hoạt động tương tác sẽ được giám sát chặt chẽ hơn bởi các cơ quan quản lý. Các tiêu chuẩn báo cáo của các ngân hàng đối với hoạt động cho vay liên kết công nghệ đã trở nên nghiêm ngặt hơn.
Một số thành phố đã đưa ra các "hộp cát" (sandbox) theo quy định để thử nghiệm các công nghệ mới trước khi chúng được triển khai rộng rãi. Theo Plenum, một công ty tư vấn, cho biết các ngân hàng đã khởi động hầu hết trong số 60 dự án trong "hộp cát", với sự tham gia của nhiều nhà cho vay lớn thuộc sở hữu nhà nước.
Hơn nữa, PBOC đang thử nghiệm một loại tiền kỹ thuật số. Đồng NDT kỹ thuật số (eCNY) dự kiến sẽ cung cấp cho nhà nước nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các khoản thanh toán và cái nhìn tốt hơn về dòng tiền trong toàn bộ nền kinh tế. Đồng tiền này có thể làm gián đoạn các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán di động hàng đầu như Ant và Tencent - thậm chí còn được thiết kế để sử dụng ngoại tuyến, mang lại lợi thế cho chính phủ so với các công ty fintech.
Tham khảo The Economist