Bồn chứa dầu thô Trung Quốc xây trên đảo Madae của Myanmar, điểm đầu đường ống dẫn dầu khí chạy thẳng về Vân Nam (ảnh chụp năm 2016) - Ảnh: REUTERS
Kể từ khi Myanmar và Trung Quốc bắt đầu thảo luận xây dựng đường ống năm 2004, dự án đã gây tranh cãi. Nhiều người lên tiếng phản đối ở Myanmar, viện dẫn những lo ngại về môi trường và việc thu xếp đền bù không thỏa đáng cho người dân địa phương.
Hôm 11-3, sau khi có thông tin Trung Quốc đã bí mật gặp chính quyền quân sự Myanmar và yêu cầu bảo vệ các cơ sở kinh tế lẫn người Trung Quốc tại nước này, những đe dọa phá hoại bắt đầu xuất hiện.
Không chỉ dọa cho nổ đường ống dẫn đầu nói trên, cư dân mạng Myanmar còn tuyên bố sẽ phá hủy các dự án trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai - Con đường" (BRI) của Trung Quốc ở Myanmar và tẩy chay các sản phẩm "Made in China".
"Này Trung Quốc, nếu các ông cứ nói những gì đang xảy ra ở Myanmar là chuyện nội bộ của Myanmar thì việc cho nổ tung đường ống dẫn dầu của các ông đi qua lãnh thổ chúng tôi cũng tính là chuyện nội bộ Myanmar nhé", tài khoản Twitter @JaonnayAD đe dọa.
"Chúng tôi không cung cấp khí đốt tự nhiên nữa, nên cho nổ đường ống cũng là chuyện nội bộ của chúng tôi nhé. Các vị không cần bận tâm đâu", tài khoản @EvelynMoe2 nhắn gởi tới Trung Quốc.
Đường ống dẫn dầu khí chạy xuyên Myanmar là một trong những tham vọng của Trung Quốc nhằm thoát sự lệ thuộc vào eo biển Malacca - Ảnh chụp màn hình
Ít nhất 32 công ty Trung Quốc ở Myanmar đã bị đốt phá khiến 2 người bị thương. Thời Báo Hoàn Cầu cho biết thiệt hại lên tới 37 triệu USD, song phủ nhận chuyện các công ty Trung Quốc sắp sửa sơ tán khỏi Myanmar.
Tờ báo này cũng khẳng định các dự án BRI cùng đường ống dẫn dầu và khí đốt chạy xuyên Myanmar vẫn an toàn. Một nhân sự thuộc công ty nhà nước Trung Quốc cho biết cảnh sát và binh sĩ Myanmar đã được triển khai để bảo vệ các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.
Đáng chú ý, trong bài viết ngày 17-3, Thời Báo Hoàn Cầu tuyên bố đã tìm hiểu và "bóc trần" được những thủ phạm đứng sau các vụ đập phá công ty Trung Quốc. Theo tờ này, những tổ chức và cá nhân mạnh miệng dọa dẫm công ty Trung Quốc đều có dính líu tới các tổ chức phi chính phủ nhận tiền từ Mỹ.
"Đó là chiêu bôi nhọ quen thuộc của phương Tây hòng biến Trung Quốc thành nguyên nhân cho các biến cố chính trị ở Myanmar", Thời Báo Hoàn Cầu nêu quan điểm.
Đài CGTN của Trung Quốc ngày 16-3 cảnh báo Trung Quốc sẽ buộc phải có "các hành động quyết liệt hơn" nếu Myanmar không bảo vệ được các cơ sở kinh tế và người Trung Quốc ở đây. Đài này tuy vậy không nói rõ Bắc Kinh sẽ làm gì.
"Mua dầu Myanmar là tiếp tay vi phạm quyền con người"
Ủy ban đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), một tập hợp các nghị sĩ thuộc Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) bị quân đội loại bỏ sau chính biến ngày 1-2, đã thúc giục các nước ngừng mua dầu khí của Myanmar.
Trong tuyên bố ngày 17-3, CRPH cho biết đã gởi công văn đề nghị dừng mua dầu khí Myanmar tới Total SE của Pháp, Petronas của Malaysia, PTT của Thái Lan và POSCO của Hàn Quốc. CRPH lập luận việc tiếp tục mua dầu khí từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Myanmar là tiếp tay cho các hành vi vi phạm nhân quyền ở Myanmar.
"Chúng tôi kêu gọi các vị hành động ngay lập tức để ngăn chặn xâm phạm nhân quyền. Tất cả các bên liên quan nên phối hợp ngay lập tức để đạt được dân chủ. Đây là lần cuối cùng, chúng tôi kêu gọi các vị hợp tác với người dân trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chế độ độc tài quân sự", tờ Irrawaddy trích dẫn thông cáo của CRPH.
Theo báo Irrawaddy, Myanmar thu về 75 - 90 triệu USD/tháng nhờ việc bán dầu khí.
TTO - Các nhà máy và công dân Trung Quốc là nạn nhân mới nhất của tình trạng bất ổn hậu đảo chính tại Myanmar. Bắc Kinh nổi giận, đòi phải can thiệp mạnh.
Xem thêm: mth.27682722181301202-gnut-on-ohc-aod-ib-ramnaym-o-couq-gnurt-auc-uad-nad-gno-gnoud/nv.ertiout