Moody's nâng triển vọng tín nhiệm Việt Nam lên 'tích cực'
Vân Phong
(KTSG Online) - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody's) giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 và nâng triển vọng tín nhiệm lên mức "tích cực" - cao hơn hai bậc so với xếp hạng gần nhất, theo Bộ Tài chính.
Triển vọng tín nhiệm của Việt Nam được Moody's điêu chỉnh lên mức 'tích cực'. Ảnh minh hoạ: Trọng Tùng. |
Cơ quan này cho biết Moody's đã giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, đồng thời thay đổi triển vọng tín nhiệm lên mức"tích cực". Đây là mức cao hơn hai bậc so với xếp hạng gần nhất của tổ chức này đối với Việt Nam.
Kết quả này - theo Bộ Tài chính - là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của Moody’s, tính từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Lý giải nguyên nhân, Bộ Tài chính cho rằng quyết định Moody’s dựa trên cơ sở là kết quả điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát dịch Covid-19.
Theo đó, những yếu tố này đã giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
“Giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách”, Bộ Tài chính cho biết.
Còn Moody’s cho rằng, xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam ở mức Ba3 được củng cố bởi những điểm mạnh và điểm yếu.
Về điểm mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng cao, có khả năng chống chịu với các cú sốc. Đồng thời sở hữu hệ thống tài chính trong nước có năng lực tài trợ cho các khoản vay của Chính phủ với chi phí thấp.
Về điểm yếu, đó những yếu kém dai dẳng do sự thiếu minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước và rủi ro kéo dài trong hệ thống ngân hàng.
Theo Moody’s, việc giám sát hệ thống ngân hàng của Việt Nam yếu hơn so với các nước trong khu vực khiến các ngân hàng nhạy cảm hơn với các sự kiện có tính rủi ro. Ngoài ra, vốn hóa của các ngân hàng vẫn ở mức tương đối yếu, dù đã có cải tiến về khả năng sinh lời và chất lượng tài sản.
Đáng chú ý, một số ngân hàng quốc doanh vẫn còn thiếu vốn và phải chịu trách nhiệm tiềm tàng đối với Chính phủ, theo Moody’s.
“Những căng thẳng này có thể dẫn tới bất ổn tài chính, dẫn đến lạm phát cao hơn, tăng chi phí trả nợ hoặc làm xấu đi vị thế thanh toán bên ngoài của đất nước”, Moody’s cho biết.
Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn, Moody’s cho rằng tiềm năng tăng trưởng của nước ta là ‘đầy hứa hẹn’ nhờ nỗ lực cải thiện vị thế tài khóa và nợ.
Tổ chức này cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam, cụ thể là ngành chế biến, chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại sẽ hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch Covid-19.
Hiện tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam đã theo kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á, theo Moody’s. Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ những thay đổi trong sản xuất và thương mại khi tham gia các hiệp định thương mại lớn.
Moody's cũng kỳ vọng các thỏa thuận thương mại sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam với sản phẩm có giá trị thấp như giày dép và hàng may mặc, đồng thời đưa nước ta vào trung tâm của chuỗi cung ứng công nghệ khu vực về sản xuất điện thoại thông minh, chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác.
Nhưng những yếu tố về môi trường và xã hội, gồm: ô nhiễm khí hậu, thời tiết cực đoan, cân bằng nhân khẩu học là những vấn đề Việt Nam cần quan tâm, theo Moody’s.
Trước đó, Moody's đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức "tiêu cực" vào cuối năm 2019 - phản ánh lo ngại xung quanh những thiếu sót trong quản lý hành chính dẫn đến việc chậm thanh toán nghĩa vụ nợ gián tiếp.
Theo tổ chức này, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường giám sát hành chính đối với các khoản thanh toán sắp tới, nhưng Moody's sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động mà Chính phủ đang thực hiện để đảm bảo thanh toán kịp thời các nghĩa vụ trực tiếp và gián tiếp.
Xem thêm: lmth.cuc-hcit-nel-man-teiv-meihn-nit-gnov-neirt-gnan-sydoom/007413/nv.semitnogiaseht.www