Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường, phối hợp với Công an tỉnh Nam Định đã tiến hành kiểm tra đột xuất và thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm túi xách giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới tại kho hàng ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đây là vụ thu giữ hàng giả các nhãn hiệu cao cấp có số lượng lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm túi giả nhãn hiệu
Trang Anna (The Queen), The Queen - Chuyên túi VIP, The Queen - Đại Dương - Sỉ lẻ túi xách… đây là 3 trong gần 10 tài khoản mạng xã hội của thương hiệu The Queen được bán tràn lan và quảng cáo trên Facebook thời gian qua.
Mẫu túi có kiểu dáng giống với mẫu túi Birkin của thương hiệu Hermes được giới thiệu, chào bán tại các tài khoản này.
Dù trên vỏ hộp đề rõ tên thương hiệu Hermes, Gucci hay YSL… nhưng những túi xách đủ các màu: xanh, đỏ, tím, vàng… được chào bán với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Lực lượng chức năng tiến hành các thủ tục niêm phong, tạm giữ số hàng. (Ảnh: TTXVN)
Tổ 368, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh Nam Định đã đột xuất kiểm tra và thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm tại kho hàng rộng 1.000 m2 thuộc thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định do Đỗ Trí Viễn, sinh năm 1995, làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng này đã bỏ trốn. Theo sổ sách thu giữ được, số hàng đang tồn kho và số hàng đã tiêu thụ trị giá gần 10 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Minh Phương - Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường nói: "Chúng tôi mất gần 6 tháng để theo dõi và tìm ra các kho hàng như thế này bởi các chủ hàng cất giấu rất kỹ, nằm sâu trong ngõ ngách của các đia phương".
Hiện toàn bộ số hàng trên đã bị thu giữ và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Hàng giả hàng lậu giá trị lớn luồn lách qua kênh bán hàng online
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 là một cú huých khiến các kênh bán hàng online nở rộ. Năm 2020, tại Việt Nam đã có 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng tới 18%, đứng trong top 3 của khu vực. Nhưng cũng vì thế, xuất hiện ngày càng nhiều các vụ việc hàng giả hàng lậu giá trị lớn luồn lách qua các kênh bán hàng online.
Tháng 7/2020, lực lượng chức năng triệt phá tổng kho buôn lậu hơn 10.000 m2 với trên 150.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Lào Cai. Các mặt hàng như giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như LV, Gucci, Chanel, Adidas. Số hàng này đã được đưa ra thị trường trót lọt trong suốt 2 năm trước khi bị bắt giữ
Hàng giả luôn là vấn nạn của nền kinh tế, nhưng khi các nền tảng mua bán online bùng nổ nó trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.
Cuối tháng 1/2021, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra chuỗi cửa hàng "Ae shop Việt Nam" tại nhiều địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, thu giữ hơn 7.000 sản phẩm có dấu hiệu làm giả các thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Chủ cửa hàng AE Shop đã thừa nhận việc sử dụng trang mạng xã hội có tên "AE Shop" để giới thiệu, chào bán hàng trực tuyến các sản phẩm này.
Mới đây, ngày 22/2, Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã phát hiện cơ sở chứa hàng chục nghìn sản phẩm quần áo, giày dép, đồng hồ... không hóa đơn, chứng từ trị giá hàng tỷ đồng. Thời điểm kiểm tra, trong kho hàng rộng khoảng 600 m2 đang có 20 người thực hiện bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội Facebook.
Nhờ công nghệ và mạng xã hội, những thủ đoạn gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn, trong khi vẫn còn rất nhiều rào cản và lỗ hổng trong quản lý. Vậy với bán hàng online cần những giải pháp nào mới và đủ mạnh?
Xung quanh vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay ngày 18/3 với sự tham gia trao đổi của ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã có những phân tích bình luận cụ thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31270121281301202-gnam-ohc-nert-aig-gnah-gnoud-neiht-nahc-ed-oan-pahp-iaig/et-hnik/nv.vtv