Một điểm tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca tại Milan (Ý) ngày 15-3 - Ảnh: NEW YORK TIMES
“Vắc xin này an toàn và hiệu quả”, bà Emer Cooke, Giám đốc điều hành EMA, khẳng định.
Lãnh đạo nhiều quốc gia, đa phần là các nước châu Âu, đã tạm ngưng sử dụng loại vắc xin này để trấn an dân chúng sau khi xuất hiện một số trường hợp rối loạn máu bất thường.
Đa số các quốc gia trên cho biết có thể tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca sau khi EMA đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18-3, tỉ lệ tiêm chủng tại châu Âu hiện vẫn còn quá thấp để có thể kìm hãm được đại dịch. WHO ghi nhận các ca nhiễm mới tại châu lục này đã tăng liên tiếp suốt ba tuần. Số người tử vong vì COVID-19 tại châu Âu trong năm 2021 cũng được là đã tăng cao hơn năm ngoái.
EMA trước đó đã điều tra báo cáo về 30 trường hợp rối loạn máu bất thường trong số 5 triệu người được tiêm vắc xin AstraZeneca ở Liên minh châu Âu (EU). Trong 30 trường hợp này, có 7 người trong độ tuổi 20 - 50 ở Đức.
Họ được chẩn đoán mắc chứng huyết khối tĩnh mạch não (CVT) khoảng 16 ngày sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca, theo cơ quan chịu trách nhiệm cấp phép vắc xin Viện Paul Ehrlich của Đức.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) khẳng định vắc xin AstraZeneca vẫn nên tiếp tục được sử dụng.
“Không có bằng chứng cho thấy máu đông trong mạch máu xuất hiện nhiều hơn bình thường so với khi không tiêm chủng, đối với cả 2 loại vắc xin”, bà June Raine, Giám đốc Điều hành của MHRA, nói về cả vắc xin AstraZeneca và Pfizer.
Ủy ban An toàn vắc xin của WHO dự kiến công bố các phát hiện liên quan đến vắc xin COVID-19 của Hãng dược AstraZeneca (Anh) vào ngày 19-3, sau khi kiểm tra dữ liệu an toàn và báo cáo về các ca đông máu.
TTO - Ủy ban an toàn vắc xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem những lợi ích mà vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca mang lại là nhiều hơn so với các rủi ro và khuyến nghị tiếp tục tiêm vắc xin của hãng này.