Coupang là công ty thương mại điện tử do SoftBank hậu thuẫn và có biệt danh là "Amazon của Hàn Quốc". Nhà sáng lập Bom Kim đã trở thành tâm điểm chú ý vào tuần trước khi công ty IPO thành công tại Mỹ, huy động được 4,6 tỷ USD. Tài sản của Kim hiện trị giá 8,9 tỷ USD, theo Bloomberg.
Thời điểm Kim thành lập Coupang năm 2010, Bezos đã là một trong những người giàu nhất thế giới. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, Kim theo học một thời gian ngắn tại Trường Kinh doanh Harvard nhưng bỏ dở sau 6 tháng. Ông trở lại Hàn Quốc vì tin rằng mình có thể đi tiên phong trong một mô hình thương mại điện tử mới.
Chân dung Bom Kim.
Sự mạo hiểm của Kim đã thành công. Coupang hiện là công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến của Hàn Quốc, chiếm gần 1/4 thị trường vào năm 2020 với thành tính giao tới 99% tổng số đơn đặt hàng chỉ trong 1 ngày. Nếu đặt hàng từ trước 12 giờ đêm hôm trước, người mua có thể nhận hàng vào sớm nhất là 7 giờ sáng hôm sau. Điều này dường như khiến Amazon trở nên "chậm chạp" hơn so với Coupang.
Kim minh họa hệ thống giao hàng và mua sắm trực tuyến tích hợp từ đầu đến cuối của Coupang bằng câu chuyện của một giám đốc trong công ty. Người này hứa với con trai sẽ tổ chức một chuyến trượt patin vào thứ 7 nhưng đến tối thứ 6 mới nhớ ra là quên mua giày trượt. Tuy nhiên, ông đã đặt hàng trước 12 giờ đêm hôm đó, kịp để sáng hôm sau nhận hàng và tận hưởng chuyến đi.
Trong một cuộc phỏng vấn, Kim nói: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một thế giới nơi khách hàng tự hỏi ‘Tại sao từ trước đến giờ tôi có thể sống mà không có Coupang’?".
Sứ mệnh này gợi nhớ đến "nỗi ám ảnh về khách hàng" – điều quan trọng giúp Jeff Bezos gây dựng nên đế chế Amazon hiện nay. Cả Bezos và Kim đều cho rằng "khách hàng" chính là trọng tâm giúp tạo nên thành công của họ.
Những ông chủ bị ám ảnh bởi khách hàng
Trong một sự kiện năm 2018, Bezos cho biết bí quyết thành công của Amazon là tập trung vào khách hàng đến mức ám ảnh thay vì quan tâm đến đối thủ cạnh tranh. Tỷ phú giàu nhất thế giới còn khiến việc này trở nên nghiêm túc đến nỗi ông dành hẳn một chiếc ghế trống trong các cuộc họp để đại diện cho khách hàng.
Trong khi đó, sự tận tâm với người mua sắm của Kim thể hiện ở việc ông tạm hoãn kế hoạch IPO của công ty trong vài năm. Khi đó, Coupang đã đạt 1 tỷ USD giá trị giao dịch nhưng ông cho rằng họ vẫn chưa cung cấp đủ giá trị cho khách hàng.
Nhà đầu tư mạo hiểm Eric Kim nhận xét: "Kim có một nỗi ám ảnh kỳ lạ là phục vụ khách hàng một cách chu đáo nhất có thể. Tỷ lệ giữ chân người mua của Coupang ngang bằng nếu không nói là nhỉnh hơn Amazon đôi chút".
Ưu tiên cho tương lai hơn lợi nhuận
Năm ngoái, Coupang ghi nhận khoản lỗ 474,9 triệu USD dù doanh thu tăng gần gấp đôi lên 11,97 tỷ USD. Amazon cũng không có lãi khi niêm yết cổ phiếu vào năm 1997 và không thu được lợi nhuận hàng năm cho đến năm 2003. Lý do là vì cả Kim và Bezos đều ưu tiên cho tương lai hơn là lợi nhuận trước mắt.
Coupang coi dòng tiền tự do (số tiền còn lại sau khi doanh nghiệp thanh toán các khoản chi phí) là thước đo sức khỏe của công ty. Họ cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tái đầu tư những dòng tiền được tạo ra từ các dịch vụ đã có vào nhiều sáng kiến và cải tiến mới cho khách hàng. Chúng tôi muốn đầu tư và tối đa hóa giá trị cho khách hàng và cổ đông trong dài hạn thay vì tối ưu hóa kết quả ngắn hạn".
Kim cho biết Coupang là công ty tạo việc làm số một ở Hàn Quốc vào năm ngoái và kế hoạch của ông là tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới sau khi IPO. Ông nói: "Giờ đây, chúng tôi có thể tạo thêm 50.000 việc làm ở Hàn Quốc và đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ cũng cơ sở hạ tầng mới để tạo thêm nhiều cơ hội như vậy".
Nguồn: Business Insider
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị