Người tị nạn đến từ Mỹ Latin vượt hàng rào biên giới Mỹ - Mexico để vào Mỹ ngày 17-3 - Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mexico sẽ nhận được 2,5 triệu liều vắc xin trong khi Canada sẽ nhận được 1,5 triệu liều.
Cũng theo bà Psaki, hiện Mỹ đã dự trữ được 7 triệu liều vắc xin AstraZeneca và có thể thay thế bằng những loại vắc xin khác. Tuy nhiên Washington sẽ không chia sẻ vắc xin AstraZeneca với nước nào khác ngoại trừ Mexico và Canada, hai nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ.
"Mục tiêu của chúng tôi là vậy và đang nỗ lực hoàn thiện. Đảm bảo hàng xóm của mình có thể ngăn chặn virus là một nhiệm vụ quan trọng để chấm dứt đại dịch", bà Psaki lập luận.
Khi được hỏi lại lần nữa vì sao chỉ chia sẻ với Mexico và Canada, phát ngôn viên Nhà Trắng đáp ngắn gọn: "Họ là hàng xóm láng giềng, là đối tác của chúng tôi".
Báo The Guardian của Anh bình luận việc bà Psaki bị gặng hỏi không phải không có lý do. Gần như cùng lúc với thông báo chia sẻ vắc xin từ Nhà Trắng, chính quyền Mexico tuyên bố sẽ siết chặt biên giới phía nam với Guatemala nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn tiến về Mỹ.
Nhà chức trách Mexico cũng cam kết biên giới phía bắc (giáp với Mỹ) và phía nam sẽ bị đóng cửa, hạn chế đi lại không cần thiết. Theo The Guardian, Mexico không hề áp đặt hạn chế đi lại hay bắt buộc xét nghiệm COVID-19 với người nhập cảnh ngay cả lúc dịch bệnh bùng phát mạnh.
"Sự trùng hợp về mặt tin tức này làm dấy lên nhiều suy đoán động thái của Mỹ và Mexico có liên quan nhau", The Guardian ám chỉ có sự đổi chác.
Theo Hãng tin Reuters, số vắc xin được chuyển tới Mexico và Canada theo hình thức "cho vay". Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã phải chịu áp lực từ các quốc gia trên thế giới trong việc chia sẻ vắc xin, đặc biệt là vắc xin do AstraZeneca sản xuất.
Hiện AstraZeneca đang có vài triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cất trong các nhà kho ở Mỹ. Trong khi loại vắc xin này đã được phép sử dụng ở những nơi khác, Mỹ vẫn chưa cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin AstraZeneca.
Chương trình tiêm chủng của Mỹ vẫn phụ thuộc phần lớn vào vắc xin Pfizer và Moderna, hai loại vắc xin được cho là tiên tiến nhất vào thời điểm hiện tại. Mexico và Canada sẽ trả số vắc xin đã vay từ Mỹ bằng đúng số lượng đã nhận, theo The Guardian.
Mỹ đạt mục tiêu 100 triệu liều vắc xin trong 58 ngày
Nhà Trắng công bố kế hoạch chia sẻ vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước láng giềng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp đạt được mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vắc xin trước thời hạn 100 ngày đầu tiên tại nhiệm.
"Tôi tự hào tuyên bố ngày mai, 58 ngày trong chính quyền của chúng tôi, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đề ra" - ông Biden nói ngày 18-3.
Tổng thống Biden cho biết sẽ tiết lộ mục tiêu tiêm chủng mới trong tuần tới, trong bối cảnh Mỹ đang xúc tiến để có đủ 3 loại vắc xin được cấp phép hiện nay, gồm của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, và tiêm cho tất cả người lớn ở nước này trong vòng 10 tuần tới.
Hiện nay, Mỹ tiêm trung bình khoảng 2,2 triệu liều mỗi ngày. Tốc độ tiêm chủng có thể tăng nhanh vào cuối tháng 3 khi nguồn cung vắc xin dự kiến tăng.
Các mô hình tính toán cho thấy ông Biden đã đạt mục tiêu 100 triệu liều vào ngày 18-3, và nhiều khả năng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ xác nhận con số này vào đầu ngày 19-3.
TTO - Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục những di dân có ý định đến Mỹ không đến xứ sở cờ hoa, trong bối cảnh chính quyền của ông cảnh báo Mỹ sắp đối diện số lượng di dân lớn nhất trong 20 năm qua ở biên giới tây nam nước này.