Ngày 19-3, theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden sẽ thực hiện chuyến thăm đến banh Georgia để quảng bá dự luật cứu trợ. Tuy nhiên, kế hoạch ban đầu hiện đã bị hoãn lại sau khi vụ xả súng ở khu vực Atlanta khiến tám người thiệt mạng, phần lớn trong số đó là phụ nữ gốc Á, theo kênh ABC News.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 1.900 tỉ USD do ông Biden đề xuất. Đây được xem là chiến thắng đầu tiên của chính quyền ông Biden. Nhiều người kỳ vọng gói cứu trợ này sẽ giúp vực dậy nền kinh tế Mỹ.
Ông Biden và bà Harris. Ảnh: REUTERS
Georgia là điểm dừng chân thứ hai của ông trong chuyến công du để làm nổi bật những lợi ích của gói cứu trợ sau chuyến thăm ngắn ngủi đến bang Pennsylvania ngày 16-3.
Tuy nhiên, tối 18-3, Nhà Trắng đã thông báo rằng Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris sẽ trì hoãn một "sự kiện chính trị buổi tối" ở Atlanta để gặp gỡ các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á ở đó. Mục đích của buổi gặp mặt là "để thảo luận về các cuộc xả súng và mối đe dọa chống lại cộng đồng đang diễn ra".
Trong cuộc họp báo ngày 18-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Tổng thống cũng sẽ ủng hộ cộng đồng AAPI ở Georgia và trên toàn quốc và nói về cam kết chống lại sự bài ngoại, không khoan dung và thù ghét".
(AAPI là viết tắt của những người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương. Nhóm này đã ghi lại khoảng 3.800 báo cáo về các vụ thù hận chống lại người Mỹ gốc Á trong năm qua).
Nói về vụ xả súng, ông Biden gọi sự gia tăng tội ác chống người Mỹ gốc Á là "rất rắc rối". Tuy nhiên, ông nói rằng ông không muốn thảo luận về động cơ có thể có của vụ xả súng spa trong khi cảnh sát đang tiến hành các cuộc điều tra.
Trước đó, tổng thống đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ cộng đồng người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương. Ông đã ban hành một bản ghi nhớ của tổng thống vào ngày 26-1 cho tổng chưởng lý để hỗ trợ các cơ quan nhà nước và địa phương và cộng đồng AAPI trong việc ngăn chặn tội phạm thù địch và mở rộng thu thập dữ liệu và báo cáo công khai.
Ngoài ra, ông Biden cũng trực tiếp lên án "tội ác thù hận độc ác" trong một bài phát biểu ngày 11-3, nói rằng cộng đồng đã bị "tấn công, quấy rối, đổ lỗi và bị đối xử bất công".
"Tại thời điểm này, rất nhiều người trong số họ, những người Mỹ đồng hương của chúng ta, họ đang ở tiền tuyến chống đại dịch… và họ buộc phải sống trong nỗi sợ hãi cho tính mạng của mình trong lúc đi bộ trên các đường phố, ở Mỹ" - ông Biden nói.
"Đây là một điều sai lầm, đây không phải là những gì nước Mỹ nên làm và nó phải được dừng lại" - tổng thống nhấn mạnh.
Phân biệt đối xử và tội ác nhằm vào người châu Á đã gia tăng trong quá trình bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng. Các nhà phê bình, bao gồm cả Nhà Trắng, đã nói rằng lời hùng biện của cựu Tổng thống Donald Trump và các thuật ngữ mà ông sử dụng như 'virus Trung Quốc" đã góp phần gây ra sự việc.
"Tôi nghĩ không có gì phải bàn cãi về một số luận điệu gây tổn hại mà chúng ta đã thấy trong chính quyền trước đó. Họ gọi ‘virus Vũ Hán’, và những thứ khác nữa, đã làm gia tăng các mối đe dọa chống lại người Mỹ gốc Á. Chúng ta đang chứng kiến điều đó trên khắp đất nước" - bà Psaki nói.