Hai xe cảnh sát rời tòa án tại thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày 19-3 sau phiên xét xử kín công dân Canada, ông Michael Spavor, đã bị bắt từ tháng 12-2018 với cáo buộc tội làm gián điệp - Ảnh: REUTERS
Phiên tòa tại Trung Quốc hôm nay 19-3 xử ông Michael Spavor, một trong hai công dân Canada từng bị Trung Quốc bắt sau khi xảy ra việc bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính công ty Huawei, bị Canada bắt giữ theo ủy thác từ chính quyền Mỹ.
Tháng 6 năm ngoái, ông Michael Spavor bị buộc tội làm gián điệp. Tuy nhiên bản án kết tội ông trong phiên xử hôm nay 19-3 vẫn chưa được công bố.
Chính quyền Canada phản đối những cáo buộc, nói công dân của họ bị vu oan. Các vụ bắt người cũng đã đẩy quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh rơi xuống điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Gia đình ông Spavor yêu cầu Bắc Kinh phải thả ông này vô điều kiện, khẳng định ông Spavor hoàn toàn vô tội và chỉ làm việc trên tư cách một doanh nhân "gây dựng mối quan hệ tích cực" giữa Canada, Trung Quốc và Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới bên ngoài phòng xử án tại phía đông bắc Trung Quốc hôm nay 19-3, ông Jim Nickel, đại biện Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh, cho biết phiên xử ông Spavor đã kết thúc và các quan chức đang chờ phán quyết của tòa công bố.
"Phiên xử giờ đã kết thúc rồi", ông Nickel nói, cho biết thêm "hiện chưa rõ những gì được nêu ra bên trong phòng xử án".
"Đó không phải là một quá trình xét xử minh bạch", ông Nickel nói.
Trước đó ông Nickel cũng nói với báo giới bên ngoài tòa án ở thành phố Đan Đông gần biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên rằng Canada rất "thất vọng vì sự thiếu minh bạch và thiếu điều kiện tiếp cận" quá trình xét xử. Các quan chức Canada bị ngăn cản tiếp cận quá trình này.
Các nhà ngoại giao Canada vẫy tay khi một chiếc xe tải nhỏ của cảnh sát chạy qua được cho là có chở công dân Spavor trên đó ra khỏi tòa án.
Thông cáo của tòa Trung Quốc cho biết "phiên xử kín" đã kết thúc và tòa sẽ "chọn ngày để công bố bản án".
Một thẩm phán Canada ngày 14-3 đã bác bỏ yêu cầu của giám đốc tài chính (CFO) Tập đoàn Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, rằng cần thừa nhận lời khai của các nhân viên của tập đoàn viễn thông Trung Quốc là bằng chứng chống lại việc dẫn độ sang Mỹ.