Tại hội nghị Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của UBND Tp.HCM diễn ra vào sáng 19/3, nhiều đại diện các hiệp hội, ngành nghề và doanh nghiệp cho biết họ cảm nhận đầu tư các tỉnh khác thủ tục nhanh hơn Tp.HCM.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều nhà đầu tư phải chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh thành khác thay vì điểm đến là Tp.HCM vì thủ tục bị tắc nghẽn.
Trong đó, có những doanh nghiệp đến từ Hồng Kông muốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã phải rời bỏ Tp.HCM tìm đến các tỉnh thành khác. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hồng Kông cho rằng việc hợp tác công tư (TPP) trong đầu tư cần được cải thiện, đặc biệt liên quan đến thuế, hồi tố… để làm sao chính quyền và doanh nghiệp là đối tác.
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Tp.HCM, hiện nay các khu công nghiệp (KCN) tại Tp.HCM đang rất phát triển, nhưng thủ tục bất cập đã tạo thành "làn sóng" nhà đầu tư đi các tỉnh khác. Thí dụ, KCN Hiệp Phước được nhiều doanh nghiệp muốn vào vì gần tỉnh Long An, nhưng thủ tục mất 2-3 năm, trong khi cùng thời gian đó doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Long An đã thực hiện khởi công…
HÌNH THÀNH CÁC KHU CÔNG NGHIỆP CHUYÊN BIỆT
Nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ cao là tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trần Việt Anh cho rằng nên hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành, sử dụng kỹ thuật cao, nhân lực chất lượng cao… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến doanh nghiệp tư nhân sản xuất, chế biến và những doanh nghiệp này cũng phải ứng dụng công nghệ cao, không sử dụng nhiều lao động. Đặc biệt, thành phố phải có dữ liệu (data) về các doanh nghiệp đầu tư vào thành phố trong 5-10 năm qua để theo dõi và có cơ chế tốt đối với doanh nghiệp tốt và ngược lại.
Đồng quan điểm về hình thành chuyên biệt, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, cho rằng thành phố nên hình thành khu đô thị đổi mới sáng tạo, Hội doanh nhân trẻ với hơn 4.000 thành viên, nếu được đồng ý sẽ tập trung thực hiện.
Hay ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí - Điện Tp.HCM, cũng mong muốn thành phố có KCN, cụm công nghiệp cho ngành cơ khí - điện để tăng tính tương tác, vì hiện nay các doanh nghiệp ngành này nằm rải rác trong khu dân cư. Chi phí vào KCN quá cao và đất trong KCN vẫn còn trống nhiều. Thực tế, doanh nghiệp cơ khí bị đánh giá yếu, nhưng họ đang quyết tâm chuyển mình, rất cần hỗ trợ từ chính quyền thành phố. Ngành cơ khí tạo có thể được coi là ngành chế tạo cơ bản, tạo ra máy móc "mẹ", từ đó giúp cho nhiều ngành nghề khác tạo ra nhiều sản phẩm.
Về đầu tư, ông Đỗ Phước Tống cho rằng hình như Tp.HCM đang hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn là doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp lớn nhiều hơn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Việc thu hút FDI nên tránh những nguồn vốn FDI nhỏ không mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam nhưng lại mang tới sự cạnh tranh. Thực tế cho thấy có những doanh nghiệp trong nước hợp tác với doanh nghiệp FDI, sau một thời gian thì bị mất hết bạn hàng về tay doanh nghiệp FDI.
ÁP DỤNG SỚM "HỘ CHIẾU VACCINE"
Đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham, cho biết Tp.HCM đã thành công trong việc thu hút đầu tư từ các quốc gia lớn, nhưng vẫn còn khó khăn khi thiếu hướng dẫn và giải luận các luật liên quan. Thí dụ, có doanh nghiệp Châu Âu muốn nhập khẩu máy móc hay nguyên liệu chất lượng cao vào Việt Nam thì phải giải thích quy trình cụ thể tới 6 tháng. Nhiều doanh nghiệp Châu Âu đặc biệt quan tâm đầu tư trong lĩnh vực cấp thoát nước tại thành phố và họ có kinh nghiệm, công nghệ cao muốn được hợp tác đầu tư đối tác công tư (TPP).
Về quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Châu Âu muốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam về xây dựng thương hiệu và hỗ trợ xuất khẩu sang Châu Âu khi EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) đã có hiệu lực.
Một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài vướng phải là việc gia hạn giấy phép lao động. Theo ông Nicolas Audier, cần đơn giản hoá việc này khi hiện nay đang chồng chéo giữa Nghị định 11 được cho gia hạn nhưng theo Nghị định 52 mới lại không được. Vấn đề nữa cần xét đến là "hộ chiếu vaccine", nghĩa là các chuyên gia nước ngoài sẽ được ưu tiên vào làm việc tại Việt Nam hoặc được cách ly tại nhà khi đã tiêm vaccine.
Đồng tình quan điểm "hộ chiếu vaccine", đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hồng Kông cho rằng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều người nước ngoài muốn đến hoặc tiếp tục ở lại Việt Nam làm việc, cần tạo điều kiện cho họ có giấy phép lao động hoặc thủ tục gia hạn giấy phép này đơn giản hơn. Ưu tiên những người đã tiêm vaccine.
ĐÀO TẠO NHÂN SỰ CHẤT LƯỢNG CAO
Theo bà Mary Tarnowka, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tại Tp.HCM và Đà Nẵng, người dân Việt Nam nói chung và người dân Tp.HCM nói riêng, sức trẻ là một lợi thế cạnh tranh rõ ràng nhất. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm… của nhiều người lao động không đáp ứng được ở vị trí quản lý trong các nhà máy của doanh nghiệp nước ngoài.
Về nâng cao chất lượng nhân sự, AmCham đã và đang làm việc với trường Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học RMIT Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực chất này tốt hơn.
XÂY CAO TỐC KẾT NỐI Tp.HCM VỚI CÁC TỈNH THÀNH KHÁC
Đóng góp ý kiến cho Tp.HCM, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho rằng Tp.HCM như trung tâm của viên kim cương 8 cạnh, khi Tp.HCM phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các tỉnh thành phía Nam.
Tháng 3/2020, JETRO đã phát hành Báo cáo môi trường đầu tư 24 tỉnh thành phía Nam, cho thấy khoảng cách di chuyển từ trung tâm Tp.HCM đi tới trung tâm các tỉnh thành phía Nam thì đến Đồng Nai gần nhất (hết 1h30 phút), đến Cà Mau xa nhất (hết 6h30 phút). Có 6 tỉnh thành chạy xe hết khoảng 2h, trong đó có Bình Dương, Long An… Tỉnh Bình Phước (hết khoảng 2h40 phút)… Nghiên cứu thời gian di chuyển của Jetro cho thấy bức tranh đầu tư đang thay đổi khi nhiều nhà đầu tư đã chọn các tỉnh thành lân cận là điểm đến thay vì Tp.HCM.
Vấn đề đặt ra, làm sao để thời gian di chuyển từ Tp.HCM đến các tỉnh xung quanh chỉ còn 1h30 phút. Như vậy cần phải xây dựng cao tốc kết nối Tp.HCM với các tỉnh thành lân cận phía Nam. Đây sẽ là một lực đẩy vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội cả vùng, khi đó Tp.HCM sẽ trở thành trung tâm của viên kim cương 8 cạnh.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Tp.HCM (HREC), cho rằng cần thuyết phục Trung ương đầu tư ngân sách Nhà nước vào Tp.HCM nhiều hơn, đặc biệt là tuyến giao thông, kể cả giao thông hàng không.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hồng Kông cũng cho rằng cải thiện môi trường đầu tư của Tp.HCM chưa lúc nào quan trọng như lúc này, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nhiều doanh nghiệp muốn tuyến metro của thành phố sớm đi vào hoạt động, cũng như thành phố phải kiểm soát được tình trạng ngập đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết đồng hành cùng doanh nghiệp và mục tiêu xuyên suốt trong lãnh đạo và chỉ đạo cùng thành phố. Thành phố sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới, đáp lại mong mỏi, kỳ vọng của người dân, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố cũng mong rằng nhà đầu tư, doanh nghiệp kiên trì đầu tư, đặt niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư của thanh phố. Thành phố sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để tất cả các doanh nghiệp được cạnh tranh lành mạnh và phát triển cùng thành phố.
Ông Phong cũng thừa nhận dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào Tp.HCM có giảm. Nếu năm 2019, mỗi dự án có vốn trung bình 2 triệu USD. Năm 2020, vốn đầu tư giảm, đặc biệt vốn nước ngoài, bình quân giá trị đầu tư mỗi dự án còn 500.000 USD, cho thấy môi trường đầu tư của Tp.HCM chưa thuận lợi. Chúnh tôi nhận thấy có một số khâu trong quy trình thủ tục hành chính, một số dự án, chương trình còn gặp khó khăn…
"Tp. HCM cũng đã giải quyết hết sức. Chúng tôi hiểu rằng, dự án trong lĩnh vực bất động sản thì vốn của các nhà đầu tư trong đó có vay vốn ngân hàng, sự chậm trễ một ngày sẽ khiến doanh nghiệp chịu lãi suất rất lớn, chúng tôi hiểu. Có những nguyên nhân khách quan khác, vượt thẩm quyền giải quyết của thành phố và phải báo cáo Trung ương", ông Phong nhấn mạnh.
Thời gian tới, UBND Tp.HCM sẽ giao cho các cơ quan, đơn vị tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng đồng bộ, quyết liệt đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi dự án đi vào hoạt động, tuyệt đối không để tình trạng găm hồ sơ, gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Xem thêm: mth.40703706191301202-peihgn-hnaod-ueihn-gnuhn-os-oh-mag-gnart-hnit-ed-gnohk-es-mchpt/nv.ymonocenv