Hà Nội cũng là một trong những địa phương để xảy ra tình trạng xử lý sai phạm chậm chạp, khiến các bộ ngành và thậm chí cả Chính phủ phải nhiều lần vào cuộc chỉ đạo mới có thể xử lý dứt điểm, tiêu biểu như sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, quận Ba Đình.
Việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trong nhiều năm đã dẫn đến hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực đất đai và trật tự xây dựng. Điều này không chỉ gây ra tổn thất lãng phí tài nguyên đất, tạo điều kiện cho nhiều chủ đầu tư ngang nhiên vi phạm mà còn gây bất bình trong dư luận.
Quy định về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây chỉ rõ, đối với các cán bộ bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, nhiều lý do đã được các cấp, ngành, địa phương của Hà Nội đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong việc xử lý sai phạm về trật tự xây dựng trong nhiều năm qua, trong đó có khó khăn do các vi phạm xảy ra ở những dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được bán, bàn giao cho người dân vào ở. Đã đến lúc cũng cần nhìn thẳng vào việc năng lực của các cơ quan quản lý bởi nhiều hệ lụy phát sinh cho xã hội khi quyền lợi, tài sản của người dân bị đe dọa.
Sau đây là câu chuyện hàng trăm hộ dân bỏ tiền tỷ để mua đất dự án trong khu đô thị nhưng hàng chục năm vẫn không xây được nhà và không được cấp sổ đỏ.
Bỏ tiền tỷ mua nhà, hơn 10 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ
Trong 1 buổi sáng, 8 căn nhà biệt thự liền kề thuộc Dự án khu đô thị Đại Thanh - huyện Thanh Trì Hà Nội bị bị cưỡng chế tháo dỡ. Cơ quan chức năng của Huyện không sai khi xử lý vi phạm hành chính đối với những ngôi nhà xây dựng trên diện tích không phải là đất ở.
Chủ đầu tư khu đô thị tìm mọi cách vắng mặt. Chỉ có những khách hàng của họ đau xót khi tài sản tích góp bao lâu trở thành những đống đổ nát.
Gần 500 hộ gia đình, ít thì bỏ 2 tỷ, nhiều là 5-6 tỷ đồng để mua các lô đất biệt thự liền kề nhưng gần 10 năm nay vẫn không xây được nhà. Và giờ họ mới biết đã mua phải đất của dự án "ma".
Khu đô thị Đại Thanh gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và 6 khối nhà cao tầng được phê duyệt xây dựng 29 tầng.
Các tòa nhà chung cư được đồng ý về chủ trương xây dựng 29 tầng. Còn khu biệt thự và nhà liền kề thực chất là khu đất quy hoạch để sản xuất gạch ngói.
Tuy nhiên, khi còn chưa được cấp phép xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý xây thành khu nhà 32 tầng. Còn khu biệt thự và nhà liền kề được xây dựng không phép bằng tiền huy động của người dân có nhu cầu mua.
Năm 2017, khi dự án dự án bị thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được quyết định giao đất, chưa nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước và dự án vẫn chưa được phê duyệt nhưng đã bán hết toàn bộ số nhà liền kề, biệt thự và căn chung cư cho hàng nghìn người dân từ vài năm trước đó.
Trong suốt nhiều năm qua, đã có tới 9 lần, hàng nghìn khách hàng đã mua căn hộ, biệt thự và nhà liền kề tại dự án Đại Thanh đã gặp gỡ, đối thoại với cơ quan chức năng của Hà Nội để tìm hướng giải quyết mà vẫn chưa có sổ đỏ. Điều đáng chú ý là hàng nghìn tỷ đồng tiền mua nhà, mua đất của người dân đương nhiên vẫn nằm yên trong túi chủ đầu tư nhưng họ lại luôn vắng mặt trong các cuộc đối thoại giữa người dân và các cơ quan chức năng. Đó phải chăng việc chủ đầu tư coi thường pháp luật, muốn đẩy cái khó về phía người dân và chính quyền địa phương?
Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh cũng kèm theo nhiều hệ lụy, nhất là tình trạng sai phạm trong xây dựng, quản lý đất đai. Trong quá trình đô thị hoá đó, ngoài việc các cơ quan quản lý ở địa phương, doanh nghiệp chấp hành tốt hơn chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai thì cơ quan quản lý cũng cần lưu tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi họ mua đất đai, nhà cửa từ doanh nghiệp. Nhiều đề án quy hoạch lớn của Hà Nội sẽ tiếp tục được phê duyệt trong thời gian tới đây.
Để giảm thiểu và ngăn ngừa sai phạm về trật tự xây dựng, sai phạm trong quản lý đất đai, hơn lúc nào hết, công tác quản lý phải thật nghiêm minh mới mong bộ mặt đô thị văn minh hiện đại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.67725529191301202-ion-ah-od-uht-uig-gnud-yax-ut-tart-ev-mahp-ias-ueihn/taul-pahp/nv.vtv