Phiên giao dịch chứng khoán ngày 19.3 diễn ra trong hầu hết thời gian chỉ số VN-Index ngập trong sắc đỏ và kết phiên giảm gần 7 điểm, tụt khỏi mốc 1.200 điểm vừa chinh phục thành công cách đó 24 giờ.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao VN-Index chỉ có thể “ngồi yên” trên mốc 1.200 điểm được 24 giờ rồi nhanh chóng tụt khỏi đó? Đây cũng chính là trọng tâm mà không ít nhà đầu tư quan tâm.
Theo nhiều phân tích của các công ty chứng khoán sau khi phiên ngày 18.3 kết thúc với việc VN-Index vượt mốc 1.200 điểm, chỉ số có thể phải kiểm định lại mốc này trong ít nhất vài phiên tới.
Còn theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, phiên ngày 18.3 VN-Index vượt ngưỡng cản mạnh 1.200 điểm chưa cho thấy sự chắc chắn, vì chỉ dựa vào một vài cổ phiếu để kéo lên như VNM, VCB, TCB chứ không tăng mạnh trên diện rộng với hầu hết cổ phiếu trên thị trường.
Thứ hai, việc kéo giật chỉ số từ vùng quanh 1.196-1.197 điểm trong 15 phút của phiên ATC nhờ vào những mã trên lại đến từ lực đẩy của chứng khoán phái sinh.
Diễn biến tương tự như vậy từng xảy ra nhiều lần trên sàn HoSE, và hầu hết sau các phiên “mượn sức” như vậy VN-Index dường như đều phải “trả hết cho người” điểm số đã “mượn” trong phiên liền sau đó.
Và một lần nữa, diễn biến này được lặp lại, chỉ khác là số điểm “mượn” từ lực đẩy của chứng khoán phái sinh là từ 3-4 điểm, trong khi phiên trả ngày 19.3 mất đi điểm số gấp đôi, kéo chỉ số VN-Index tụt xuống mức 1.194,05 điểm.
Thứ ba, phiên “mượn sức” chứng khoán phái sinh ngày 18.3 đẩy VN-Index tăng vượt ngưỡng cản 1.200 điểm còn cho thấy sự mong manh. Đó là chỉ số vượt ngưỡng ở mức 1.200,94 điểm.
Theo bà Kim, con số 0,94 điểm cách biệt chưa tạo ra khoảng cách chắc chắn và an toàn để VN-Index có thể duy trì lâu trên mốc 1.200 điểm và tiếp tục đi lên chinh phục những mốc điểm cao hơn.
Một điểm quan trọng nữa, thị trường ngày 18.3 vượt ngưỡng cản mạnh nhất từ trước tới nay là mốc 1.200 điểm trong một bối cảnh ít ai ngờ. Vì theo các dự báo trước đó cũng như sự chuẩn bị về tâm lý của nhà đầu tư, sự sẵn sàng cho xu hướng giằng co đi ngang của thị trường trong bối cảnh chung thanh khoản trên sàn HoSE chưa thực sự tạo ra bứt phá mạnh, và tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chính là rào cản lớn nhất khiến cho thanh khoản trên sàn HoSE chưa thể thực hiện được điều đó.
Theo bà Kim, để thị trường bứt phá đưa VN-Index vượt ngưỡng cản 1.200 điểm với một khoảng cách an toàn hơn, sàn HoSE cần mức thanh khoản từ 18.000-20.000 tỉ đồng/phiên.
Và điều gần như là nguyên tắc, để thị trường bứt phá vượt qua các ngưỡng cản quan trọng với cách biệt lớn về điểm số, cần có sự tăng điểm mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 và các cổ phiếu trụ.
Điều này đã thể hiện một phần trong phiên ngày 18.3 với nhóm cổ phiếu ngân hàng và một vài cổ phiếu trụ tăng điểm khá mạnh.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch cuối tuần ngày 19.3, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng và nhóm VN30 không còn được duy trì, thậm chí đảo chiều giảm điểm mạnh, kéo theo không thể giữ nổi chỉ số VN-Index ở trên mốc 1.200 điểm.
Cuối cùng, đối với những ngưỡng cản lớn như mốc 1.200 điểm, VN-Index sẽ rất khó trụ lại được trong lần vượt ngưỡng đầu tiên, mà có thể phải cần đến vài ba lần kiểm định mới vượt qua được một cách chắc chắn.
Xem thêm: odl.069098-meid-0021-com-iohk-tut-gnohc-hnahn-xedni-nv-oas-iv-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal