Lực lượng an ninh triển khai làm nhiệm vụ trên một con phố ở thành phố Yangon, Myanmar ngày 19-3-2021 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, ông K. Vanlalvena, nghị sĩ thuộc nghị viện bang Mizoram, cho biết chính quyền bang này đang hối thúc chính quyền liên bang hỗ trợ để xây thêm các trại tị nạn gần biên giới sau khi nhận định số người Myanmar tháo chạy sang đây sẽ tăng trong những ngày tới.
"Nếu không thế, tất cả những người tị nạn sẽ tản đi khắp nơi ở Ấn Độ", ông K. Vanlalvena nói.
Dòng người tị nạn từ Myanmar ồ ạt đến Ấn Độ bắt đầu từ cuối tháng 2, nhiều tuần sau khi xảy ra đảo chính quân sự và làn sóng biểu tình phản đối đảo chính tới nay chưa dứt.
Mặc dù cũng có nhiều cảnh sát Myanmar và gia đình họ thoạt đầu đã vượt biên sang Ấn Độ vì không muốn thực hiện chiến dịch trấn áp người biểu tình của chính quyền quân sự, song theo nghị sĩ K. Vanlalvena, số dân thường tháo chạy từ bang Chin của Myanmar sang bang Mizoram của Ấn Độ vẫn đông hơn.
"Hầu hết họ là dân thường - ông K. Vanlalvena nói - Số cảnh sát không tăng".
Trước đó, khoảng 400 người Myanmar, trong đó có cảnh sát và nhân viên sở cứu hỏa, đã sang Ấn Độ lánh nạn.
Tuần trước, chính phủ liên bang Ấn Độ chỉ đạo bốn bang có chung biên giới với Myanmar và lực lượng bán quân sự tăng cường bảo vệ khu vực biên giới, ngăn chặn các làn sóng nhập cư phi pháp từ nước láng giềng và trục xuất những người đã vượt biên.
Tuy nhiên chính quyền bang Mizoram phản đối chỉ thị đó. Thủ hiến bang Zoramthanga hôm thứ năm (18-3) đã gửi thư cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, kêu gọi chính phủ liên bang nên cấp cơ chế tị nạn cho người Myanmar.
"Tôi hiểu có những vấn đề chính sách đối ngoại cụ thể mà Ấn Độ cần phải xử lý thận trọng - bức thư của ông Zoramthanga viết - Tuy nhiên chúng ta không thể phớt lờ cuộc khủng hoảng nhân đạo này".
Nhà báo Aung Thura của Đài BBC kênh tiếng Myanmar - Ảnh: BBC NEWS/TWITTER
Nhà báo của Đài BBC bị bắt tại Myanmar
Một nhà báo người Myanmar làm việc cho kênh tin tức tiếng Myanmar của Đài BBC (Anh) vừa bị bắt ngày 19-3.
Theo Hãng tin AFP, nhà báo Aung Thura bị những người đàn ông mặc thường phục bắt đi khi đang tác nghiệp bên ngoài một tòa án ở thủ đô Naypyidaw.
Theo Đài BBC, những người đàn ông này ập đến trên một chiếc xe tải nhỏ không có ký hiệu gì vào khoảng giữa trưa, yêu cầu gặp nhà báo Aung Thura và nhà báo Than Htike Aung của kênh truyền hình địa phương Mizzima.
Đài truyền hình Mizzima cho biết nhà báo Than Htike Aung của họ cũng đã bị bắt tại thủ đô Naypyidaw ngày 19-3.
Tài khoản Twitter của Đài BBC nói họ "đặc biệt lo ngại" cho tình hình của nhà báo Aung Thura. "Chúng tôi kêu gọi chính quyền giúp xác định anh ấy đang ở đâu và khẳng định là anh ấy vẫn an toàn", tài khoản Twitter Đài BBC viết.
Kể từ khi xảy ra đảo chính ngày 1-2 tới nay, theo Hiệp hội Hỗ trợ tù chính trị, hơn 30 nhà báo đã bị bắt tại Myanmar.
TTO - Trong lúc xung đột với người biểu tình phản đối đảo chính tại thị trấn miền trung Aungban, lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng làm 8 người chết.
Xem thêm: mth.48641027002301202-od-na-auc-marozim-gnab-iot-nan-it-ox-od-ramnaym-iougn-nagn-ac/nv.ertiout