Hãng tin Reuters đưa tin Hạ viện Mỹ ngày 19-3 đã thông qua dự luật lên án cuộc chính biến tại Myanmar, trong bối cảnh các nhà lập pháp chỉ trích các chiến thuật ngày càng khắc nghiệt được sử dụng để đối phó các cuộc biểu tình kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền ngày 1-2.
Dự luật trên được thông qua với 398 phiếu thuận và 14 phiếu chống.
Dự luật lên án cuộc chính biến và việc giam giữ các nhà lãnh đạo dân sự Myanmar, kêu gọi trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ và những người được bầu để tiếp tục nhiệm vụ phục vụ trong quốc hội.
Biểu tình phản đối chính biến tại Myanmar. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Hạ viện Mỹ hôm 18-3 đã thông qua một dự luật khác liên quan vấn đề Myanmar thông qua biểu quyết giọng nói.
Dự luật này, cần được Thượng viện thông qua trước khi trở thành luật, sẽ yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp báo cáo cho Quốc hội về các sự kiện ở Myanmar và phản ứng của Nhà Trắng đối với các sự kiện này.
“Chúng ta phải phải làm rõ rằng Mỹ đang theo dõi và ủng hộ việc khôi phục nền dân chủ” - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory Meeks kêu gọi sự ủng hộ đối với dự luật này.
Động thái của Hạ viện Mỹ hôm 19-3 được đưa ra trong bối cảnh tình hình chính biến tại Myanmar tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ngày 19-3, trong lúc xung đột với người biểu tình phản đối chính biến tại thị trấn miền trung Aungban, lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng làm tám người thiệt mạng, trong đó bảy người chết tại chỗ, một người chết sau khi được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện ở thị trấn Kalaw gần đó.
Các nước Đông Nam Á đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực, trong khi các đại sứ quán phương Tây tại Myanmar đã kêu gọi quân đội nước này kiềm chế khi các cuộc tuần hành vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên cả nước, đồng thời gọi các hành động của quân đội Myanmar là “vô đạo đức, không thể chối cãi”.
Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ngày 21-3 sẽ áp đặt trừng phạt đối với các tướng lĩnh quân đội Myanmar và sau đó là cả các doanh nghiệp nằm dưới sự quản lý của những nhân vật này.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án chính quyền quân sự Myanmar, tố cáo các “hành động bạo lực tàn bạo liên tục của quân đội”. Người phát ngôn của ông Guterres nói rằng cần phải có một “phản ứng quốc tế thống nhất và vững chắc”.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hôm 19-3 đã thúc giục mạnh mẽ quân đội Myanmar thay đổi đường lối và chọn con đường hướng tới các giải pháp hòa bình.
Ông Muhyiddin ủng hộ kêu gọi của Tổng thống Indonesia Joko Widodo về một hội nghị cấp cao ASEAN khẩn cấp bàn về cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Ông cũng nhấn mạnh các cuộc đấu tranh chính trị chỉ làm ảnh hưởng đến người dân và mâu thuẫn với các điều được ghi trong hiến chương của ASEAN.
Theo Reuters, tổng số người thiệt mạng trong nhiều tuần bất ổn tại Myanmar đã lên đến ít nhất 234 người.