*Bài viết lược dịch theo quan điểm của Kristie Lu Stout, đăng tải trên CNN
Mẹ tôi từng là một người đầy tự hào về dòng máu gốc Á của mình. Nhưng giờ, bà chỉ còn biết tự nhốt mình trong nhà, vì làn sóng thù địch người gốc Á đang leo thang tại Mỹ.
Không phải vì Covid-19 - thứ đang hoành hành tại nơi chúng tôi sống ở California. Mà bởi, bà chắc chắn rằng một phụ nữ gốc Á lớn tuổi chân đi tập tễnh như bà sẽ là mục tiêu bị tấn công, một cách dễ dàng.
Đây là nước Mỹ bà đã từng mong mỏi khi rời quê hương ư?
Hình ảnh trích trong video an ninh tại San Francisco. 3 kẻ to khoẻ quật ngã một ông lão 67 tuổi, cướp bóc một cách tàn nhẫn
Kể từ vụ xả súng tại Atlanta thời gian qua, câu hỏi ấy như đốt cháy cơn thịnh nộ âm ỉ trong tôi, tại Hong Kong (Trung Quốc). Tôi không thể ở bên gia đình của mình lúc này, không thể ôm lấy họ, không thể an ủi họ. Phương tiện liên lạc chỉ có thể là qua Internet mà thôi.
Người ta bảo rằng, hiện tại vẫn là quá sớm để nhận định vụ xả súng hôm 16/3 là một tội ác thù địch, dù trong 8 nạn nhân ngã xuống có đến 6 là phụ nữ gốc Á.
Người ta bảo rằng, kẻ xả súng "đã có một ngày tồi tệ", rồi thì gã mắc phải "chứng nghiện sex", bất chấp việc những người phụ nữ gốc Á vô tội bị gã tàn sát trong khi đang làm việc để nuôi sống gia đình.
Hiện trường vụ xả súng Atlanta hôm 16/3
Với tôi, đó là những suy nghĩ thể hiện định kiến hết sức tồi tệ, rằng người Mỹ gốc Á đang "hoàn toàn ổn", không phải là mục tiêu bị tấn công phân biệt chủng tộc.
Thử hỏi, phải có bao nhiêu người trong cộng đồng này bị đánh đập, bị tấn công bạo tàn, hoặc bị sát hại nữa để công chúng nhận ra?
Những số liệu giật mình
Các vụ phạm tội chống lại người châu Á tại Mỹ đã tăng 150% trong thời gian đại dịch, theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Thù ghét và Cực đoan tại ĐH Bang California, San Bernardino. Còn theo Stop AAPI Hate, khoảng 3800 vụ phân biệt chủng tộc với người châu Á đã xảy ra trong 1 năm qua, với 68% nhắm đến phụ nữ.
Các vụ tấn công nhắm đến người Mỹ gốc Á cũng gia tăng, đặc biệt là người già. Giờ đây, họ sợ đến mức chẳng còn dám rời khỏi nhà.
Tháng 2/2020, mẹ tôi bắt đầu chủ động cách ly khi đại dịch mới chớm bắt đầu. Tất cả là để lảng tránh những lời bình phẩm và ánh mắt soi xét vì bà đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. "Đây cũng là mùa dị ứng nữa. Mẹ sợ phải hắt xì hoặc ho khi là người gốc Á," - mẹ bảo với tôi như vậy trong một lần FaceTime.
Nhưng thái độ thù địch ngày càng lộ liễu. Mọi người chủ động ho về phía bà, một số nói "bà hẳn phải đến từ Vũ Hán," số khác thì nói thẳng: "Sao cái đội châu Á này cứ bị hoang tưởng thế nhỉ?"
Khi đại dịch trở nên căng thẳng hơn, sự thù địch cũng lên một mức độ khác. Người cao tuổi gốc Á bị cướp bóc, tấn công, thậm chí sát hại khi làn sóng thù địch gia tăng.
Còn tôi, chỉ ước rằng có phép màu đưa được bà trở về châu Á ngay lập tức. Đó là nơi bà có thể đeo khẩu trang thoải mái mà chẳng bị ai phán xét; là nơi bà tự tin đi nhà hàng mà không sợ bị ai đánh gục; là nơi người ta để yên cho bà, thể hiện sự tôn trọng với người lớn tuổi.
Để giúp tâm trạng mẹ tốt hơn, tôi gửi cho bà một đoạn video từ một trang tin địa phương ở San Francisco. Nó nói về một phụ nữ cao tuổi gốc Á đã chống trả lại gã đàn ông tấn công bà, khiến gã phải bỏ chạy với một vài vết thương. Tôi nghĩ đó là công lý. Nhưng với mẹ, đó lại là một ví dụ điển hình của làn sóng thù địch đang hiển hiện.
Bởi lẽ, đoạn video cho thấy cảnh gã đàn ông kia được nằm trên cáng, được chăm sóc y tế. Trong khi người phụ nữ kia la hét và gào khóc thì lại bị bỏ mặc, tự lo cho vết thương và nỗi sợ hãi mà bản thân vừa trải qua.
"Người phụ nữ ấy hoàn toàn có thể là mẹ," - mẹ tôi nói như vậy. Và tôi nghĩ bà hoàn toàn đúng.
Nguồn: CNN
JD
Pháp luật và bạn đọc