Nghệ sĩ Thanh Hằng (Lê Hằng) năm 1967 khi đi chiến trường
Năm 1954, giữa Hà Nội ngổn ngang người đi kẻ ở, ngôi sao tân nhạc trẻ tuổi Thanh Hằng chọn ở lại. Quyết định được đưa ra không dễ dàng khi vali quần áo biểu diễn đã chuẩn bị lên đường và thậm chí dường như còn một lời cầu hôn đang chờ đợi...
Với nhan sắc đoan trang, thanh lịch và giọng hát từng đoạt thủ khoa kỳ thi hát do Đài phát thanh Hà Nội tổ chức năm 1953, Thanh Hằng hoàn toàn có thể trở thành danh ca ở Sài Gòn. Nhưng rồi bằng việc ở lại Hà Nội, hòa vào đời sống mới, cô đã có một số phận khác, thậm chí tạo ra một huyền thoại của Hà Nội buổi giao thời.
Nghệ sĩ Lê Hằng đỗ thủ khoa kỳ thi hát của Đài phát thanh Hà Nội năm 1953
Nàng thơ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn
Hà Nội năm 1955 vẫn tiếp tục mạch thẩm mỹ lãng mạn sẵn có, kết hợp với sự lôi cuốn của những tinh thần "trùng trùng say trong câu hát" (Văn Cao) do những người kháng chiến trở về tiếp quản, cuốn cả miền Bắc vào không khí mới.
Các rạp chiếu phim và rạp hát sáng đèn với những bài ca lãng mạn bên cạnh những ca khúc kháng chiến. Rạp Đại Đồng ở 46 Hàng Cót được Đoàn Chuẩn mua lại và tạo nên một sân khấu ca nhạc nổi bật với giọng ca chính là Thanh Hằng.
Một poster quảng cáo nhạc tại rạp Đại Đồng năm 1955
Giữa một thủ đô đầy hào hứng bước vào đời sống mới sau những năm chiến tranh, hai người dường như là một cặp đôi nghệ thuật quyến rũ nhất khi ấy. Họ cùng tham gia các đoàn thể âm nhạc như Đoàn ca vũ nhạc Hà Nội, quy tụ các nhạc sĩ lãng mạn và nghệ sĩ cũ, họ xuất hiện trong những cuộc họp văn nghệ sĩ với đầy mộng mơ tương lai.
Vốn nổi tiếng viết ca khúc rất ít - trung bình mỗi năm 1-2 bản, song thời gian này có lẽ gây cảm hứng đặc biệt cho Đoàn Chuẩn khi ông cho ra đời đến 4-5 ca khúc, mà dĩ nhiên nàng thơ chính là Thanh Hằng: Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh, Chiếc lá cuối cùng, Vàng phai mấy lá (Bài ca bị xé), Tâm sự...
Nghệ sĩ Lê Hằng vào tháng 12-1955
Nhiều người đẹp đã được ghi lại hình bóng trong những bài hát trước năm 1954 của Đoàn Chuẩn qua một mẫu số chung: tà áo xanh.
Từ những bài hát nổi tiếng như Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, ông đã có những tuyên ngôn đầy lãng mạn: "Màu áo xanh là màu anh trót yêu", nhưng phải đến Tà áo xanh, bài hát viết trực tiếp cho Thanh Hằng, biểu tượng này mới có địa chỉ cụ thể.
Nguyên do khi Thanh Hằng đến nhà nhạc sĩ vào một ngày mùa xuân năm 1955, khi nhìn ra cửa sổ cô bỗng thốt lên: "Ơ sao mùa xuân lá vẫn rơi nhỉ?". Khoảnh khắc đó đã trở thành cái cớ cho những câu hát: "Anh còn nhớ em nói rằng, sao mùa xuân lá vẫn rơi, sao mùa xuân lá vẫn bay?... Em còn nhớ anh nói rằng, khi nào em đến với anh, xin đừng quên chiếc áo xanh... ".
Nhưng như chính Thanh Hằng đã nói cô chưa bao giờ hát những bài hát ấy.
Cùng làm nên một thời Hà Nội hát
Cuộc tình giữa một cô gái trẻ 19-20 tuổi với một chàng nhạc sĩ hơn cô 9 tuổi và đã có gia đình với 5 đứa con đương nhiên chẳng thể đi đến đâu, đúng như những dằn vặt về sự bất thành và chia ly trong những bài ca mà mỗi lời là một tiếc nuối: "Đến bây giờ, yêu không đành, mà ghét cũng không đành, mà dứt cũng không đành" (Vàng phai mấy lá).
Nghệ sĩ Lê Hằng năm 1968
Sau khi chia tay Đoàn Chuẩn, Thanh Hằng đã chọn một lối rẽ bất ngờ khác: cô gia nhập đoàn văn công sư đoàn 312 của tướng Trần Độ, sau đó là đoàn văn công Quân khu Việt Bắc với nghệ danh mới là Lê Hằng.
Công việc mới đã đưa cô rời xa Hà Nội, sống và biểu diễn ở những vùng rừng núi phía Bắc, chấp nhận gian khổ và thiếu thốn để phục vụ bộ đội.
Những năm tháng ấy, Lê Hằng nổi tiếng với những bài hát mang âm hưởng dân ca, khác hẳn với những bài ca lãng mạn từng hát, trong đó phải kể đến Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý, 1961) - ca khúc làm nên tên tuổi cô những thập niên này.
Sự bất ngờ đến ở chỗ cô hát một bài ca tuyên truyền nhưng đầy vẻ quyến rũ, vẫn dịu dàng, ngọt ngào như một bài ca lãng mạn.
Nghệ sĩ Lê Hằng năm 1955
Trong khi tìm tư liệu cho cuộc đời âm nhạc của Đoàn Chuẩn, tôi đã may mắn gặp được NSƯT Lê Hằng. Trong những lần gặp đó, người phụ nữ cao tuổi ấy làm tôi ngạc nhiên đến sung sướng vì cô vẫn đầy sôi nổi khi nói về những bài hát đã thành kỷ niệm, về những người bạn âm nhạc đã làm nên một thời Hà Nội hát với tất cả sự hồn nhiên, thanh xuân bất tận.
Cô chia sẻ cả những sự ngập ngừng khi nói về những ký ức tình cảm lãng mạn cũ, điều đã khiến tôi hiểu vì sao Đoàn Chuẩn đã yêu và thầm lưu hình ảnh cô đến suốt đời. Những bài hát cuối cùng ông cũng dành cho Lê Hằng như Màu nắng có bao giờ phai đâu (1989). Người Hà Nội những năm tháng ấy, họ đã thanh thản cho đi để giữ lại trọn vẹn vẻ đẹp chung thủy.
Nghệ sĩ Thanh Hằng (Lê Hằng) và tác giả Nguyễn Trương Quý tại Hà Nội tháng 6-2018
Thông tin về sự ra đi của người phụ nữ đẹp, hát hay mà cuộc đời đã trở thành một phần huyền thoại phố phường Hà Nội được nhiều văn nhân, nghệ sĩ chia sẻ với niềm thương tiếc.
NSƯT Lê Hằng (Thanh Hằng) tên thật là Lê Lệ Hảo, sinh năm 1935 tại Hà Nội. Những năm cuối đời bà sống khá lặng lẽ, nhưng đã một lần nữa trở lại với công chúng yêu văn nghệ trong hai cuốn sách mới đây của nhà văn Trương Quý - cuốn khảo cứu Một thời Hà Nội hát và trong bài "Bụi hồng quán nước" ở cuốn sách Hà Nội bảo thế là thường.
T.ĐIỂU
TTO - Nghệ sĩ Lê Hằng - ngôi sao của tân nhạc Hà thành trước 1954, đồng thời là nàng thơ trong những tình khúc bất hủ của Đoàn Chuẩn như Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Vàng phai mấy lá, Chiếc lá cuối cùng - vừa qua đời.
Xem thêm: mth.55541359002301202-hnax-oa-at-tom-uig-ion-ah-ihk-iod-auq-gnah-el-is-ehgn/nv.ertiout