Trong vài tháng trở lại đây, ngành gỗ có mức tăng trung bình 10%. Sắt thép tăng 30% còn giá nhựa cũng tăng tới 30-40%. Đây là những biến số ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức tới bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sản xuất "oằn mình" chống đỡ giá nguyên liệu nhập khẩu tăng
Từ cuối năm ngoái đến nay, giá sắt thép đã tăng 30%, nguyên liệu nhựa còn tăng đến 50%. Với mức giá tăng chóng mặt như vậy thì các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp lúc này hầu như không có lãi và nếu họ sẵn sàng trả mức giá cao như vậy thì cũng rất khan hàng để có thể mua.
Ông Trịnh Bá Ngọc, Giám đốc điều hành, CTCP Đầu tư Thương mại Công nghiệp Hà Nội, nói: "Giá đầu vào tăng như thế thì chúng tôi mất lợi nhuận đi, giảm lợi nhuận đi rất nhiều, thậm chí có những sản phẩm bây giờ đang làm chi phí tính là ra lỗ nhưng mà vẫn phải làm".
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lợi suất của ngành gỗ thấp chỉ từ 5-7% do chịu sức ép cạnh tranh khá lớn trên thị trường thế giới. Do đó, biến động về giá nguyên liệu đầu vào xảy ra sau khi các đơn hàng được ký kết sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay không dám nhận đơn dài hạn cho cả năm, do lo ngại biến động chi phí đầu vào.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết: "Các vật liệu phụ liên quan đến hoá chất, xốp, mút, keo... đều tăng từ 20-30%. Đối với nguyên liệu cũng rất bất ổn định, đặc biệt cả gỗ trong nước tăng 10-15 thậm chí 20%, gỗ nhập khẩu tăng từ 20-25%".
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn mỏng, việc sản xuất thường theo đơn hàng, ít để vật liệu tồn kho. Do đó, giá nguyên liệu tăng đã ngay lập tức khiến giá thành sản phẩm tăng lên. Thế nhưng, doanh nghiệp khó có thể nâng giá bán vì hợp đồng đã được đàm phán với đối tác từ nhiều tháng trước.
Hiện tất cả các nguyên phụ liệu ngành gỗ đều tăng giá. Ảnh minh họa - Báo Nhân dân.
Chi phí tăng đột ngột thì quả thực doanh nghiệp không còn nhiều lựa chọn. Chấp nhận bán lỗ là khó tránh khỏi, còn sau thì phải tăng giá với khách hoặc tệ hơn, phải đàm phán lại bên cung cấp nguyên liệu để chấp nhận giảm chất lượng đầu vào thì mới hạ giá thành được.
Thế nhưng đây cũng không chỉ là bài toán khó cho mỗi ngành công nghiệp. Nông nghiệp cũng vậy, mà điển hình là thức ăn chăn nuôi. Từ giữa năm ngoái, giá nhiều loại ngũ cốc như ngô, đậu tương chưa có dấu hiệu đi xuống, thậm chí ngay trong tháng này giá vẫn tiếp tục tăng tới 20%. Việt Nam nhập nguyên liệu để chế biến ra thức ăn chăn nuôi, thế nên, doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên, thế nhưng, chính những người nông dân lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt với người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Thiếu nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi giảm công suất, người chăn nuôi thu hẹp trang trại. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi giờ không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước nữa mà chỉ dám mua theo từng tháng. Việt Nam hiện là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với số lượng khoảng 30 triệu tấn/năm. Chỉ tính riêng năm ngoái các doanh nghiệp bỏ ra 6 đến 7 tỷ USD để nhập nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tăng giá của thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng mạnh nhất đến khối chăn nuôi gia cầm, khi giá gà, vịt, trứng giảm mạnh trong thời gian qua. Giá thức ăn thì tăng, giá thành phẩm thì giảm, thua lỗ với hộ chăn nuôi là khó tránh.
Việc tăng giá trong nhiều ngành nghề khác nhau đều có những nguyên nhân chung. Trước tiên là sự phụ thuộc vào nhập khẩu của Việt Nam. Nhiều nguyên liệu như ngô, đậu tương… gần như 100% vẫn phải nhập. Chính vì sự phụ thuộc này, Việt Nam bị tác động trực tiếp bởi biến động thế giới, trong trường hợp này, có thể gọi là 1 siêu chu kỳ tăng giá.
Siêu chu kỳ tăng giá là nhận định của 1 vài ngân hàng lớn ở phố Wall. Một siêu chu kỳ điển hình không phải là sự biến động về giá cả theo từng ngày mà xu hướng tăng giá hàng hoá 20 - 50% sẽ diễn ra trong dài hạn, có thể lên tới hàng chục năm. Trong 100 năm qua, mới chỉ có 4 siêu chu kỳ tăng giá.
Siêu chu kỳ tăng giá có liên quan tới Trung Quốc?
Nhiều chuyên gia cho rằng, siêu chu kỳ tăng giá có liên quan tới Trung Quốc bởi siêu chu kỳ về giá gần đây nhất có liên quan tới Trung Quốc, giai đoạn những năm 2000, khi Trung Quốc chuyển mình sang công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thứ 2, đây là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới, trị giá khoảng 23 nghìn tỷ USD. Trung Quốc cũng đang chiếm tới từ 50-60% nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa này của thế giới. Vì thế, siêu chu kỳ giá đang chịu sự chi phối lớn từ kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, khi đã bị phụ thuộc thì sẽ không thể thích ứng ngay được, nhưng sau COVID-19, điều này càng cho thấy rằng giảm bớt sự phụ thuộc, đặc biệt là với các nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ giúp doanh nghiệp Việt tự chủ hơn. Trên tinh thần đó, mỗi ngành nghề đều có thể mày mò tìm tòi những đáp án riêng trong ngắn hạn và trong dài hạn.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định: "Chúng tôi có cảnh báo đối với doanh nghiệp để họ có thể biết và chủ động, chủ động nhập khẩu các loại nguyên liệu để doanh nghiệp có thể có lợi nhất".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.66882159002301202-aig-gnat-yk-uhc-ueis-oab-gnouh-hna-ib-man-teiv/et-hnik/nv.vtv