"Tôi rất trăn trở khi giáo viên phải đóng 3 triệu đồng, học 5 buổi online để lấy 1 chứng chỉ chẳng biết để làm gì" - người viết như trút nỗi lòng.
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có lẽ là câu chuyện được bàn tán nhiều nhất trong tháng qua của giáo viên cả nước. Những người đứng trên bục giảng kể rằng họ phải đăng ký các khóa học trực tuyến với mức phí 3 triệu đồng để học.
Người nào giới thiệu 20 “học viên” khác sẽ được miễn, giảm học phí. Có cung có cầu. Một số nơi nhanh nhạy mở các lớp “bao đậu” cho những giáo viên không có thời gian học với học phí 3,5 triệu đồng/khóa...
Để "giữ lương, giữ hạng", giáo viên đành nhắm mắt bỏ tiền, thời gian theo học dù biết kiến thức không có gì mới và việc học không hỗ trợ gì cho việc giảng dạy.
Đó là chưa kể có những giáo viên đang trong thời gian tập huấn chương trình giáo dục, sách giáo khoa mới cũng phải theo học chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp. Và cùng một lúc, người học phải mở hai màn hình vừa điện thoại vừa máy tính để theo dõi cả hai lớp.
Cả nước có hơn 1 triệu giáo viên và mỗi giáo viên hoàn thành chứng chỉ với số tiền 2,5 đến 3,5 triệu đồng là khoản tiền không nhỏ, chưa nói đến những lãng phí không thể đo đếm về thời gian của mỗi người.
Giáo viên đề xuất Bộ GD-ĐT nên quy định thông tư theo hướng mở hơn. Chẳng hạn như chỉ quy định chứng chỉ cho chức danh nghề nghiệp với những trường hợp thi hoặc xét thăng hạng.
Bên cạnh đó, có quy định miễn chứng chỉ này đối với những giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu. Trường hợp những giáo viên đã học các chứng chỉ ở mức cao hơn theo các quy định trước đây thì không cần học lại...
Sau khi báo chí phản ánh, ngày 19-3 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT xem lại và đề xuất hướng xử lý hợp lý hơn trong quy định về chứng chỉ với đội ngũ viên chức, trong đó có giáo viên.
Đây có lẽ là điều trông đợi và niềm vui của đội ngũ giáo viên cả nước khi những phản ảnh, tiếng nói của họ về những điều bất cập đã được Thủ tướng lắng nghe và chỉ đạo xử lý.
Tuy vậy, nếu như những thông tư liên quan đến hàng triệu giáo viên trước khi ban hành được cân nhắc, hướng dẫn kỹ sẽ tránh được việc giáo viên bỏ tiền đổ xô đi học các lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như thời gian vừa qua.
Bởi có sửa cũng đã muộn rồi. Và cứ mỗi lần muộn như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động, làm giảm dần tin tưởng vào sự vững tay của cơ quan quản lý.
TTO - Ngày 19-3, VP Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới phản ánh của báo chí trong thời gian qua về những vướng mắc, bất cập trong quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Xem thêm: mth.21354330102301202-ihc-gnuhc-1-av-coh-ioub-5-gnod-ueirt-3/nv.ertiout