Bạn Đoàn Thị Anh Thư, Trường THPT An Biên, đặt câu hỏi định hướng nghề nghiệp cho thầy cô trong ban tư vấn - Ảnh: CHÍ CÔNG
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH, Sở GD-ĐT Kiên Giang và Trường ĐH Kiên Giang phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ tổ chức hằng năm đã giúp học sinh nắm rõ các thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, qua đó có thể tự soi rọi lại bản thân mình để lựa chọn được bậc học, ngành học phù hợp với năng lực và sở thích bản thân.
Ông Trần Quang Bảo - giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại buổi tư vấn sáng nay 20-3 - Ảnh: CHÍ CÔNG
Các bạn học sinh đọc và tham khảo lựa chọn ngành nghề cho mình trong buổi tư vấn tại Trường ĐH Kiên Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG
Hơn 4.000 học sinh tỉnh Kiên Giang tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng nay 20-3 - Ảnh: CHÍ CÔNG
Hết sức lưu ý về đề thi
Trong buổi tư vấn này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - đã chia sẻ với hơn 4.000 học sinh có mặt tại đây về thông tin, những điểm mới sửa đổi, bổ sung trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh năm 2021 mà thí sinh cần lưu ý.
Thầy Hùng cho hay Bộ GD-ĐT khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021 về cơ bản như năm ngoái. Tuy nhiên thí sinh cần hết sức lưu ý về đề thi. Năm 2020, do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh cả nước phải nghỉ học kéo dài hoặc học online, nên Bộ GD-ĐT đã đưa ra chương trình giảm tải một số nội dung trong chương trình học lớp 12.
Đề thi chủ yếu chương trình lớp 12, đề thi có tính phân loại học sinh bằng những câu khó để làm căn cứ cho các trường đại học sử dụng kết quả để tuyển sinh.
"Do đó đề thi tốt nghiệp THPT năm rồi có phần giảm tải, nhưng năm nay cần lưu ý đề thi sẽ khác. Nếu không ôn tập đầy đủ khối kiến thức của chương trình thì các em sẽ không làm tốt bài được", thầy Hùng căn dặn.
Việc đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển năm nay thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Tuy nhiên, thầy Hùng khuyên thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, vì làm như vậy sẽ tốn tiền và khiến mình lúng túng về sau trong việc đưa ra quyết định chọn ngành.
Một điểm khác đáng lưu ý là năm nay dự kiến sau khi có kết quả được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần nhưng chỉ được phép điều chỉnh trực tuyến trong thời gian cho phép, không điều chỉnh bằng phiếu như năm trước.
5 bước chọn ngành
Trong khi đó, TS Lê Thị Thanh Mai - ĐH Quốc gia TP.HCM - cho hay một trong những điều thí sinh thường mắc phải là lựa chọn ngành nghề của mình làm sao khi trúng tuyển chúng ta cảm thấy vui vẻ với quyết định chọn ngành của mình.
Theo TS Thanh Mai, sau khi tốt nghiệp THPT, giai đoạn học tập tiếp theo của các em là học để có một nghề trong tay, nên việc đầu tiên cần xác định được mình muốn làm gì trong tương lai. Sau đó cần tìm hiểu để làm được những công việc đó thì có nghề nào và để làm nghề đó thì học ngành gì, trường nào và trình độ học nào.
Có những nghề không nhất thiết phải học đại học mà chỉ cần học cao đẳng, thậm chí học trung cấp cũng có thể làm việc được ngay. Sau đó phải xem các trường tuyển sinh theo phương thức nào.
Ở bậc đại học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực. Việc lựa chọn phương thức nào tùy vào năng lực học tập của các em. Cuối cùng, thí sinh cần xem mức điểm chuẩn của các trường đối với mỗi phương thức trong mùa tuyển sinh các năm trước.
"Hiện nay nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Đây là phương thức khá thuận lợi, linh hoạt và tuyển sinh nhiều đợt. Các em nên tranh thủ lựa chọn phương thức xét tuyển học bạ. Nếu thực hiện đúng 5 bước nêu trên chắc chắn các em sẽ có cơ hội trúng tuyển và giành được vé học bậc phù hợp sau bậc THPT", bà Mai khẳng định.
Lưu ý các điều kiện xét tuyển học bạ
Giải đáp thắc mắc của thí sinh quan tâm đến các phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Luật TP.HCM, ThS Lê Văn Hiển - phụ trách phòng đào tạo nhà trường - cho biết ở phương thức 1 (xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng) trường dành tối đa 35%/tổng chỉ tiêu cho 3 đối tượng, trong đó đối tượng 2 (ưu tiên xét tuyển thẳng): thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật; thí sinh có kết quả thi SAT của Mỹ. Những chứng chỉ này nếu có quy định về thời hạn thì phải còn giá trị đến ngày 30-6-2021.
"Một trong các điều kiện để được đăng ký xét tuyển của đối tượng này là thí sinh phải có điểm trung bình của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 21 trở lên (điểm trung bình của 5 học kỳ THPT được làm tròn đến 1 chữ số thập phân)", thầy Hiển lưu ý.
Trả lời câu hỏi của bạn Anh Thư (học sinh lớp 12 Trường THPT An Biên) về phương thức xét tuyển học bạ của Trường ĐH Tài chính - marketing, ThS Nguyễn Thái Châu - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp nhà trường - cho biết tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc đại học dự kiến của trường năm nay là 4.500 sinh viên.
Nhà trường dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả học tập THPT với tối đa 60%.
"Nhà trường xét bình đẳng giữa các nguyện vọng đăng ký trong cùng ngành, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Điểm trúng tuyển vào ngành là điểm chuẩn chung cho các tổ hợp xét tuyển của ngành", ông Châu cho biết thêm.
TTO - Sáng 18-3, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2021. Dự thảo này được công bố trên trang thông tin của Bộ GD-ĐT để nhận ý kiến góp ý trong 30 ngày.
Xem thêm: mth.36350649002301202-1202-man-tpht-peihgn-tot-iht-ed-auc-ohk-od-ev-y-uul-nac/nv.ertiout