Chị Jackie Nguyễn với chiếc áo thể hiện sự tự hào vì nguồn gốc châu Á trong ngày mở lại quán cà phê - Ảnh: TWITTER
"Những gì xảy ra ở Atlanta, Georgia quá tàn bạo. Những người Mỹ gốc Á đang bị nhắm tới ở khắp nơi, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh của người gốc Á. Chúng tôi rất sợ khi mở cửa làm ăn vào lúc này", chị Jackie Nguyễn chia sẻ với Đài KMBC địa phương.
"Nhưng chúng tôi quyết định phải tiếp tục làm việc, phải tiến về trước. Không thể sống mãi trong sợ hãi được. May mắn có cộng đồng giúp đỡ", bà chủ quán "Cà Phê" tâm sự.
Theo KMBC, quán cà phê rang xay của chị Jackie Nguyễn đã nhận được hàng ngàn USD quyên góp sau khi đóng cửa ngày 18-3, gần 2 ngày sau vụ xả súng nhắm vào người gốc Á khiến 8 người thiệt mạng ở Georgia.
Có ai đó đã động viên quán bằng cách quyên tiền cho 100 ly cà phê, vài chục bánh donut của quán và phát miễn phí cho người dân Kansas.
Số cà phê này nhanh chóng hết sạch khi quán mở cửa. Theo KMBC, trong vòng 30 phút sau khi mở cửa trở lại ngày 19-3 (giờ Mỹ), quán đã phục vụ hàng chục khách.
Trên Twitter cá nhân, phóng viên Bianca Beltran của KMBC chia sẻ cảnh người dân Kansas xếp hàng bên ngoài quán "Cà Phê". Cô cho biết những tâm sự của bà chủ Jackie Nguyễn về sự sợ hãi với nạn phân biệt gốc Á đã giúp chị nhận lại "sự ủng hộ mạnh mẽ" từ cộng đồng.
Một cửa hàng gần tiệm của chị Jackie Nguyễn cũng thể hiện sự ủng hộ người gốc Á bằng cách trưng bảng "Ngừng nạn phân biệt, thù hằn người gốc Á", theo phóng viên Beltran.
Người gốc Á "sống trong sợ hãi"
Phát biểu khi đến thăm Atlanta ngày 19-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh dù động cơ của kẻ xả súng là gì, "rất nhiều người Mỹ gốc Á đang sống trong sợ hãi". Ông gọi tâm lý chống người Mỹ gốc Á là một "chất độc đeo bám nước Mỹ" và kêu gọi mọi người đồng lòng ngăn chặn, chấm dứt điều này.
"Chúng ta phải lên tiếng, phải hành động", Tổng thống Biden kêu gọi người Mỹ đứng lên "chống lại chủ nghĩa bài ngoại".
Theo thống kê của Tổ chức Stop AAPI Hate, đã có gần 3.800 vụ tấn công nhắm vào người gốc Á ở Mỹ trong năm ngoái. Bên cạnh đó, những người gốc Á còn bị lăng mạ bằng lời nói và hành động, bị quấy rối tại nơi làm việc lẫn chốn công cộng.
TTO - Chưa bao giờ người Mỹ gốc Á bị kỳ thị, quấy rối và lăng nhục nhiều như khoảng thời gian dịch COVID-19 hoành hành. Truyền thông Mỹ những ngày qua đã liên tục lên tiếng cảnh báo.