vĐồng tin tức tài chính 365

Nhu cầu về đồng tăng cao, thế giới chú ý vào các mỏ tại Indonesia, Congo

2021-03-21 03:12

Nhu cầu về đồng tăng cao, thế giới chú ý vào các mỏ tại Indonesia, Congo

Chánh Tài

(KTSG Online) - Trong vòng một thập kỷ tới, thế giới có thể phải đối mặt với mức thiếu hụt rất lớn về sản lượng đồng, kim loại quan trọng nhất đối với các nền kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của CRU Group, ngành công nghiệp đồng cần phải đầu tư hơn 100 tỉ đô la Mỹ để phát triển các mỏ đồng mới để loại bỏ nguy cơ thiếu hụt nguồn cung hàng năm lên đến 4,7 triệu tấn đồng vào năm 2030 khi lĩnh vực năng lượng và vận tải sạch phát triển mạnh.

Sản lượng đồng sẽ thiếu hụt 10 triệu tấn vào năm 2030 nếu không có mỏ đồng mới nào đi vào hoạt động. Ảnh: Smallcaps

Công ty kinh doanh hàng hóa Trafigura Group cho rằng mức thiếu hụt sản lượng đồng có thể lên tới 10 triệu tấn trong 10 năm nữa nếu không có mỏ đồng mới nào được phát triển. Để thu hẹp khoảng cách cung cầu như vậy, đòi hỏi phải phát triển các mỏ đồng có quy mô tổng cộng gấp 8 lần dự án mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida của Tập đoàn khai khoáng BHP khổng lồ ở Chile.

Được sử dụng trong mọi thứ, từ dây điện, đường ống cho đến pin xe điện và động cơ, đồng là thành phần quan trọng để thúc đẩy năng lượng tái tạo và xe điện. Nếu các nhà sản xuất không giải quyết được tình trạng thiếu hụt sản lượng, giá đồng sẽ tiếp tục tăng, gây khó khăn cho chính quyền Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới khác khi họ tìm cách tăng tốc tiến trình chuyển đổi năng lượng trên toàn thế giới để chống biến đổi khí hậu.

Giá đồng cao hơn có thể dẫn đến việc tái chế đồng và sử dụng các vật liệu thay thế nhiều hơn. Với giá rẻ hơn và có tính dẫn điện khá tốt, nhôm là ứng cử viên hàng đầu để thay thế đồng, giúp giảm bớt căng thẳng về nguồn cung đồng.

Thực tế, có nhiều dự án mỏ đồng đang trong quá trình triển khai. Nhưng các nhà sản xuất đang cảnh giác với nguy cơ  lặp lại sai lầm khi cung vượt cầu của các chu kỳ trước. Vì vậy, họ tìm cách thúc đẩy nhanh các dự án mỏ đồng vào thời điểm mà hoạt động khai thác ngày càng phức tạp và có chi đắt đỏ hơn rất nhiều so với trước đây, một lý do giải thích tại sao giá đồng hiện nay đang ở mức cao trong gần một thập kỷ, trên mức 4 đô la Mỹ/pound (0,453 kg).

Trong một báo cáo công bố trong tuần này, hai nhà phân tích thị trường kim loại Grant Sporre và Andrew Cosgrove của Bloomberg Intelligence (BI) nhận định: “Tính phức tạp kỹ thuật khai thác ngày càng tăng và sự chậm trễ trong việc cấp phép cho các dự án mỏ đồng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm các dự án sẵn sàng vận hành trong giai đoạn 2025-2030”.

Các dự án mỏ đồng mới có thể làm giảm mức thiếu hụt sản lượng đồng trong giai đoạn 2022-2025, theo các nhà phân tích của BI. Nếu giá đồng duy trì ở mức cao trong thời gian dài, điều này sẽ có lợi cho cho một số dự án có chi phí đắt đỏ. Trong khi đó, việc mở rộng công suất khai thác ở các mỏ đồng hiện tại thường ít phức tạp về mặt kỹ thuật và dễ dàng được phê duyệt hơn hơn so với việc triển khai các dự án mới hoàn toàn.

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Indonesia trong năm nay, nơi Tập đoàn khai khoáng Freeport-McMoRan (Mỹ) đang phát triển mỏ đồng lớn thứ hai thế giới tại Grasberg, tỉnh Papua. Việc mở rộng công suất khai thác ở mỏ đồng này dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay, giúp giảm bớt áp lực cho nguồn cung đồng toàn cầu vốn bị gián đoạn bởi tác động đại dịch Covid-19.

Mỏ đồng Grasberg ở tỉnh Papua, Indonesia. Ảnh: AP

Đứng sau mỏ đồng Grasberg về quy mô là dự án mỏ đồng Kamoa-Kakula ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Mỏ đồng Kamoa-Kakula sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 7 tới, theo Công ty khai khoáng Ivanhoe Mines (Canada), đồng sở hữu mỏ đồng này. Hãng tư vấn Wood Mackenzie đánh giá đây là mỏ đồng có trữ lượng lớn thứ tư thế giới.

Dự án mỏ đồng Quellaveco có tổng vốn đầu tư 5,3 tỉ đô la của Tập đoàn khai khoáng Anglo American (Anh) ở Peru có thể bắt đầu sản xuất vào năm tới miễn là các xung đột với cộng đồng người dân địa phương được giải quyết.

Khả năng của các nhà sản xuất trong việc đáp ứng nhu cầu đồng ngày càng tăng cũng sẽ phụ thuộc vào Công ty khai khoáng Southern Copper (Mexico), đang đặt mục tiêu nâng sản lượng khai thác đồng lên mức gấp đôi vào năm 2028.

Một phần nguồn cung đồng mới trong thập kỷ tới có thể đến từ trữ lượng đồng ở mỏ Reko Diq của Pakistan cũng như mỏ đồng Tampakan của Philippines.

“Sau khi Cục Dự trữ Nhà nước Trung Quốc thu gom tất cả sản lượng đồng dư thừa do cơn sự suy thoái kinh tế toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020, thị trường hiện tại có vẻ thắt chặt về cơ bản. Các phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng nguồn cung đồng toàn cầu sẽ thiếu hụt so với nhu cầu trong ít nhất hai năm tới”, nhà phân tích Grant Sporre của BI, nhận định.

Ngày nay, các công ty khai khoáng phải tích cực thảo luận với các cộng đồng địa phương và chính phủ sớm hơn nhiều trong quá trình phát triển dự án mỏ đồng do mức nhận thức và kỳ vọng về môi trường và xã hội ngày càng tăng. Kết quả là thời gian trung bình từ khi phát hiện trữ lượng đồng đầu tiên cho đến khi đi chính thức khai thác đã tăng thêm 4 năm so với trước đây, lên gần 14 năm, theo BI.

“Điều nghịch lý là việc chú tâm hơn hơn vào tác động môi trường trong hoạt động khai thác đã khiến ngành công nghiệp đồng không thể nhanh chóng đáp ứng mức thiếu hụt sản lượng đồng thị trường bằng nguồn cung mới dù giá đồng đang cao hơn nhiều so với mức giá kỳ vọng của các nhà sản xuất,” hai nhà phân tích Grant Sporre và Andrew Cosgrove của BI, viết.

Ngay cả những nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới cũng đối mặt với điều trớ trêu này. Richard Adkerson, Giám đốc điều hành Freeport McMoRan, nói tại một hội nghị vào tuần trước rằng ngay cả khi giá đồng tăng vọt lên mức 10 đô la/pound vào ngày mai, công ty của ông sẽ mất 7 hoặc 8 năm để đưa sản lượng mới ra thị trường.

Theo Bloomberg

 

Xem thêm: lmth.ognoc-aisenodni-iat-om-cac-oav-y-uhc-ioig-eht-oac-gnat-gnod-ev-uac-uhn/347413/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhu cầu về đồng tăng cao, thế giới chú ý vào các mỏ tại Indonesia, Congo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools