Thông thường các thương vụ sáp nhập là công ty mẹ nhận sáp nhập công ty con, bởi chỉ cần phát hành thêm cổ phần hoán đổi cho các cổ đông hiện hữu khác. Trong trường hợp làm ngược lại, công ty con sẽ phát hành hoán đổi cho cổ đông khác, vừa hủy lượng cổ phần sở hữu bởi công ty mẹ để giảm vốn điều lệ tương ứng.
Trong trường hợp của 2 công ty liên quan của Vinamilk (HoSE:VNM), GTNfoods ( HoSE: GTN ) đã sở hữu 73,72% Vilico ( UPCoM: VLC ). Đồng thời, cổ phiếu GTN đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), sàn giao dịch được đánh giá là minh bạch, tiêu chuẩn cao nhất và cũng được nhà đầu tư quan tâm nhất. Ngược lại, cổ phiếu VLC đang giao dịch trên sàn giao dịch UPCoM với tiêu chuẩn đăng ký giao dịch thấp và không nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng, ban lãnh đạo Vinamilk ( HoSE: VNM ) lại quyết định sáp nhập công ty mẹ - GTNfoods vào công ty con – Vilico, tỷ lệ hoán đổi 1,6:1 (1,6 cổ phiếu GTN đổi thành 1 cổ phiếu VLC). Sau sáp nhập, GTNfoods sẽ chấm dứt sự tồn tại, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển giao cho Vilico, cổ phiếu bị hủy niêm yết tại HoSE. Đối với Vilico, doanh nghiệp này vừa phải thực hiện phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn, vừa tiến hành hủy toàn bộ lượng cổ phiếu thuộc sở hữu GTNfoods giảm vốn điều lệ.
Mặt khác, với chủ trương cổ phiếu của doanh nghiệp nào đang giao dịch ở UPCoM sẽ lên HoSE để minh bạch thông tin hơn, Vilico phải làm thêm thủ tục chuyển sàn khi đủ điều kiện. Trong khi, nếu sáp vào GTNfoods, lượng cổ phiếu VLC hoán đổi đương nhiên được giao dịch trên HoSE sau khi mọi thủ tục hoàn tất.
Chính những bất thường đó mà phương án sáp nhập GTNfoods vào Vilico nhận được nhiều sự quan tâm của cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của cả 2 doanh nghiệp. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk - đồng thời là Chủ tịch tại GTNfoods và Vilico cho biết quan điểm của ban lãnh đạo không quan trọng mẹ sáp nhập con hay ngược lại mà làm thế nào thuận lợi hơn.
Đại hội GTNfoods nhận được nhiều sự quan tâm của cổ đông về phương án sáp nhập. |
Ban lãnh đạo nhận thấy ngoài hoạt động đóng góp chính từ Vilico thì GTNfoods không có hoạt động riêng hiệu quả, do đó cần đơn giản cấu trúc, tiết kiệm chi phí và khai thác nguồn nhân lực hiệu quả hơn. Một số thế mạnh của GTN và Vilico trước đây chưa được phát huy hiệu quả nên cần sáp nhập để phát huy tốt hơn, tập trung mảng sữa và bò thịt.
Ngoài ra, Vilico là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lâu nay trong ngành chăn nuôi, cùng nhiều quyền sử dụng bất động sản nông, lâm nghiệp. Trong khi GTNfoods là đơn vị holdings, thương hiệu mới được xây dựng vài năm gần đây.
GTNfoods được thành lập năm 2011 với chiến lược M&A các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. Năm 2013, GTNfoods thực hiện thương vụ đầu tiên là cổ phần Ladofoods - sở hữu thương hiệu Vang Đà Lạt. Sau đó, công ty thực hiện mua Vinatea, Vilico - qua đó gián tiếp sở hữu Mộc Châu Milk - hiện là doanh nghiệp đóng góp lợi nhuận chính cho doanh nghiệp.
Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Vilico được thành lập năm 1996 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trên toàn quốc, trực thuộc thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bình luận về vấn đề này, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng GTNfoods không trực tiếp hoạt động ngành nghề kinh doanh cốt lõi nào mà chỉ đơn thuần nắm giữ cổ phần tại các công ty con. Do đó, việc duy trì công ty mẹ như GTNfoods là không cần thiết. Việc sáp nhập GTNfoods vào Vilico giúp đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp của Vinamilk và tăng cường tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Vilico đầu tư bò thịt với lợi thế quỹ đất và con giống từ Vinamilk
Với quỹ đất rộng lớn, Vilico có kế hoạch đầu tư dự án nuôi bò thịt với tổng đầu tư 1.700 tỷ đồng, công suất khai thác 20.000 con/năm.
|
Vilico đầu tư dự án bò thịt với tổng vốn 1.700 tỷ đồng. |
Theo tiết lộ của bà Liên, Vilico có sẵn đất trên Tam Đảo (Vĩnh Phúc), khí hậu phù hợp hoàn toàn có thể triển khai ngay kế hoạch chăn nuôi bò. Về nguồn giống, Vinamilk, Mộc Châu Milk và đàn bò trong dân khoảng hơn 100.000 con, có khả năng tạo ra nguồn bê rất lớn. Doanh nghiệp đang bán bê với giá rẻ để không bị lỗ, nếu triển khai dự án bò thịt thì sẽ tận dụng tốt nguồn lực này.
Mới đây, Vilico thông báo hợp tác với Tập đoàn Sojitz lập liên doanh đầu tư và kinh doanh lĩnh vực bò thịt, vốn góp của Vilico là 51% và Sojitz là 49%. Vốn đầu tư ban đầu 2 triệu USD và dự kiến tăng lên theo quy mô phát triển. Liên doanh này được thành lập để nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, hình ảnh, hệ thống bán hàng. Vilico định hướng sản xuất thịt bò ở phân khúc trung, cao cấp, hoàn toàn cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 6 tháng, ban lãnh đạo kỳ vọng đến cuối năm 2023 có sản phẩm. Doanh thu khoảng 2.000-2.500 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn đầu.
SSI Research đánh giá nhu cầu tiêu thụ thịt bò đang gia tăng ở Việt Nam, chăn nuôi bò thịt có thể trở thành động lực tăng trưởng cho Vinamilk trong dài hạn, đặc biệt là khi thị trường sữa đã bão hòa.
Ngọc Điểm
NDH
Xem thêm: nhc.36822957012301202-ociliv-oav-cougn-pahn-pas-sdoofntg-oas-iv/nv.zibefac