Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam có giải pháp tạm thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ để quản lý, bảo trì các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian dừng thu phí đến khi hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về đề nghị tiếp nhận quản lý, bảo quản tài sản công, bảo trì các dự án theo hình thức Hợp đồng BOT trong thời gian chuyển giao dự án, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ vào quy định pháp luật về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối với hình thức đối tác công tư và quy định pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ còn lại của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình dự án theo quy định của pháp luật và để triển khai đảm bảo đúng quy định.
Để tránh việc thu phí vượt quá thời gian, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chủ động tạm dừng thu phí các dự án. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, tham mưu cho Bộ giải pháp tạm thời để xử lý tình huống một số vướng mắc trong quản lý, bảo trì đối với những tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian tạm dừng thu phí, đảm bảo đúng theo quy định pháp luật; trong đó, lưu ý những phương án có thể thực hiện ngay việc bảo quản, đảm bảo an toàn giao thông trong giai đoạn này.
"Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát các nội dung cần thiết, các văn bản pháp lý có liên quan (nếu có) nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, bảo trì đối với những tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian dừng hoặc tạm dừng thu phí chờ hoàn tất thủ tục chấm dứt hợp đồng và xác lập quyền sở hữu toàn dân để Bộ GTVT tiếp tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý", Bộ GTVT chỉ đạo.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện có 9 dự án đang tạm dừng thu phí là những dự án sắp kết thúc hợp đồng. Trong số này có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, Quốc lộ 1 đoạn tránh Hà Tĩnh, Quốc lộ 1K đoạn Km 2+478-Km 12+971 và Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy (Tiền Giang).
Hai dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa và Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km 50+889. Ba dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là dự án xây dựng cầu Đồng Nai, Quốc lộ 20 đoạn qua các thị trấn và Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và Tứ Câu - Vĩnh Điện.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, các dự án trên chưa thanh lý được hợp đồng, bàn giao công trình do cơ quan quản lý và nhà đầu tư chưa thống nhất được các chi phí để xác định thời gian hoàn vốn như: Lợi nhuận nhà đầu tư trong giai đoạn xây dựng, một số chi phí, lãi vay nên chưa xác định thời điểm dừng thu phí. Để tránh việc thu phí vượt quá thời gian, tổng cục chủ động tạm dừng thu phí các dự án trên.
"Sau khi dừng hoặc tạm dừng thu phí để thực hiện thanh lý hợp đồng, một số doanh nghiệp dự án đã dừng việc bảo trì, không cấp kinh phí vận hành công trình hoặc thực hiện kém hiệu quả. Những dự án nhà đầu tư dừng không bảo trì hoặc bảo trì không đạt yêu cầu, tổng cục đã đàm phán, thương thảo nhiều lần, nhưng với lý do không được thu phí, không có quy định pháp lý nên các nhà đầu tư vẫn không thực hiện khiến công trình phát sinh hư hỏng", đơn vị này cho biết thêm.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đối với những dự án BOT đã tạm dừng thu phí mà nhà đầu tư không bảo trì dự án hoặc bảo trì không đạt yêu cầu, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản công trình thuộc dự án từ khi dừng thu phí đến lúc hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
VTV.vn - Nhiều dự án BOT giao thông dừng thu phí, đang xuống cấp nhưng không thể bố trí vốn để sửa chữa vì những vướng mắc trong cơ chế chưa được tháo gỡ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.42032758012301202-ihp-uht-gnud-mat-tob-na-ud-9-irt-oab-ohk-og-oad-ihc-tvtg-ob/et-hnik/nv.vtv