Đang chờ để được đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 thì tối qua ông bạn tôi - TS Lê Đức Dũng - gửi cho tôi đường link của Sở Y tế bang Thueringen (Đức) để đăng ký tiêm chủng, tôi vội vào đăng ký.
Với dữ liệu có được, sở y tế sẽ phân loại đối tượng được tiêm và mời đến tiêm khi đến lượt (theo thứ tự ưu tiên). Tôi mừng khấp khởi.
Từ khi làm việc nơi xứ người, đây là lần đầu tiên tôi xa nhà lâu đến thế. Mẹ tôi bảo con hỏi xem có vắc xin thì tiêm để mà về, nhưng đâu thể.
Hỏi bạn bè xung quanh mới biết nào có riêng gì tôi, nhiều người cũng mong sớm có tấm "hộ chiếu vắc xin" để sớm được về quê hương.
Với nhiều người Việt ở nước ngoài, "hộ chiếu vắc xin" là tia hi vọng mới để có thêm cơ hội về thăm quê hương trong đại dịch COVID-19. Người muốn về để hội ngộ đoàn viên, người thì về để giải quyết những công việc, dự án còn dang dở vì dịch...
Mỗi người lại ở trong một tâm thế và tâm trạng khác biệt trong việc đợi đến lượt tiêm của mình. Tất cả đều mong sớm có "hộ chiếu vắc xin" để sớm bay về.
Chia sẻ với tôi, doanh nhân Nguyễn Tiến Sương - người có hơn 40 năm sống và làm việc tại thành phố Aachen - cho biết liên tục mấy tháng nay, ông chờ đến lượt tiêm chủng COVID-19 để lên đường về Việt Nam thực hiện những dự án lớn đang dang dở của mình.
Nhưng ngoài ba chiếc khẩu trang N95 Nhà nước Đức cấp phát miễn phí, vị chuyên gia ngoài 70 tuổi này vẫn chưa thấy tín hiệu gì trong việc đến lượt mình được tiêm vắc xin. Trong khi đó, những đơn hàng lớn về vật tư và thiết bị y tế trị giá hàng triệu euro giữa Việt Nam và châu Âu vẫn đợi ông về xử lý.
Doanh nhân này cũng có lý do khác để mong ngóng được về trong những ngày tới: kịp dự lễ sinh nhật tròn 100 tuổi của mẹ mình ở Quảng Ngãi.
Trong một tình cảnh khác, ở Berlin, Tuyên Nguyễn đã xin nghỉ học một năm cho con gái, chờ được tiêm vắc xin và mong kiếm được chuyến bay sớm nhất trở về quê thăm người mẹ già ở Hải Phòng để gặp người mẹ đang sống những ngày cuối của cuộc đời sau khi bệnh viện trả về vì bệnh nan y.
Tuy nhiên, ròng rã mấy tháng trời, dù chị có giấy tờ cư trú vô thời hạn, con gái mang quốc tịch Đức và nộp đơn đăng ký từ lâu, việc được tiêm vắc xin vẫn chưa có tín hiệu tích cực.
Liên Trần - đang làm việc tại Hãng Kind, một hãng thiết bị trợ thính nổi tiếng của Đức - không giấu được sự bộn bề trong suy nghĩ của chị khi trò chuyện với tôi. Quê chị ở Kim Thành, Hải Dương - một trong những tâm dịch COVID-19 ở Việt Nam thời gian qua.
Sức khỏe của bố chị không được tốt nên chị rất lo lắng. Ngày nào chị cũng lên mạng để đọc tin tức về vùng dịch quê mình và gọi điện để hỏi han tình hình của người thân. Thời gian này chị chỉ muốn được ở bên gia đình, do đó khi tiêm xong vắc xin, chị sẽ tìm cách để nghỉ phép về thăm bố mẹ sau hai năm xa cách.
Những cảnh đời éo le xảy ra giữa mùa dịch như vậy không hiếm ở nơi này, xung quanh tôi, với rất nhiều nỗi niềm.
Còn với tôi, tôi cứ mong sớm được lên chuyến bay về quê hương để ngắm những đóa trà mi hay những bông hồng cổ Sa Pa mẹ mới trồng ở góc vườn, hay chở mẹ tôi trên cái xe Cub cà tàng của tôi dạo qua mấy con phố nhỏ đầy sắc hoa ban phố thị đang đua nhau khoe sắc những ngày xuân.
Những ngày xa quê chưa bao giờ dài như thế...
TTO - Người Việt Nam đầu tiên tiêm đủ 2 liều vắc xin tại Mỹ đã về nước tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Đó là bác sĩ Việt kiều Calvin Q Trịnh. Tuy nhiên, bác sĩ này vẫn phải cách ly theo quy định của Việt Nam.
Xem thêm: mth.39894859012301202-ahn-ev-yagn-ohc/nv.ertiout