Đổi ca để khai thác dầu khí trên mỏ Đại Hùng của Việt Nam - Ảnh: PVEP
Tuổi Trẻ đi tìm câu trả lời về vấn đề này trước thông tin sản lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam giảm, giá rẻ hơn so với năm trước. Trong khi đó, theo Bloomberg, AFP, giá dầu từ tháng 2 đến đầu tháng 3-2021 đã tăng rất mạnh, cả ở phiên giao ngay và giao kỳ hạn tương lai.
Giá có rẻ hay không?
Một số chuyên gia cho rằng việc giá dầu tăng mạnh nhưng Việt Nam vẫn xuất dầu với giá rẻ, giảm sản lượng là do thực hiện theo hợp đồng kỳ hạn với mức giá thỏa thuận thấp hơn giá hiện tại. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Trung - phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) - lại khẳng định giá dầu thô được Việt Nam bán hiện nay cao hơn so với giá trung bình của thế giới.
Cụ thể, giá dầu mà nhà khai thác dầu thô Việt Nam đang bán được tham chiếu theo giá dầu Brent của thế giới, là giá dầu cao nhất và tốt nhất hiện nay. Ông Trung tính mức giá bình quân và cho hay giá dầu PVEP đang bán cho cả năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021 thực tế đều cao hơn so với giá dầu Brent.
Ví dụ, 6 tháng đầu năm 2020 giá trung bình thế giới là 39,73 USD/thùng thì Việt Nam bán được với mức giá 42,40 USD/thùng. 6 tháng cuối năm 2020, khi giá dầu thế giới bắt đầu tăng trở lại và phục hồi, với mức giá bình quân là 43,61 USD/thùng thì Việt Nam bán được 45,22 USD/thùng.
Như vậy trung bình giá dầu thế giới cả năm 2020 là 41,8 USD/thùng, Việt Nam bán được 43,7 USD/thùng, tức cao hơn gần 2 USD/thùng. Tương tự, 2 tháng đầu năm 2021, giá dầu Brent trung bình của thế giới là 58,53 USD/thùng thì Việt Nam bán được với giá 59,94 USD/thùng.
Dù sau đó biến động nhưng đầu tháng 3-2021, theo Bloomberg, AFP, chốt phiên giao dịch tại London (Anh), giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 5 tăng 3,9% lên 69,36 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 4-2021 tiếp tục tăng 0,8% trong phiên giao dịch đầu ngày 4-3 lên 61,74 USD/thùng.
Thông tin cho Tuổi Trẻ, đại diện Vụ Dầu khí và than (Bộ Công thương) cũng xác nhận giá dầu thô xuất bán của PVN trung bình tháng 2-2021 là 63,67 USD/thùng, tăng hơn 7,39 USD/thùng so với giá dầu tháng 1-2021 là 56,28 USD/thùng, ước tính cao hơn 18,7 USD/thùng so với giá dầu kế hoạch năm 2021 là 45 USD/thùng.
Sản lượng giảm nhanh
Tuy vậy, đại diện Vụ Dầu khí và than công nhận việc giảm sản lượng. Cụ thể, sản lượng khai thác dầu thô trong nước hai tháng đầu năm đạt 1,51 triệu tấn, tăng 112,6% so với kế hoạch là 1,34 triệu tấn, nhưng chỉ bằng 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân sản lượng giảm do các mỏ dầu khí ở VN hầu hết được phát hiện từ lâu, đã được khai thác hơn 20 năm, đang ở giai đoạn cuối của đời mỏ. Hơn nữa, trong 5 năm gần đây, do giá dầu thô xuống thấp ảnh hưởng đến công tác đầu tư tìm kiếm thăm dò, không phát hiện mỏ dầu khí có trữ lượng lớn mới nên việc suy giảm này được dự báo từ trước. Bộ Công thương khẳng định giá bán dầu thô VN được tham chiếu theo giá dầu thô quốc tế nên không có tình trạng giảm giá.
Ông Hoàng Ngọc Trung cũng khẳng định không có kế hoạch cắt giảm sản lượng mà hiện nay nhiều mỏ chủ đạo của PVN đến ngưỡng khai thác, sụt giảm tự nhiên, nên trữ lượng dầu giảm dần. Đơn cử như năm 2020, PVEP có sản lượng khai thác khoảng 3,8 triệu tấn quy dầu, giảm nhẹ so với năm 2019 và dự kiến năm 2021 sản lượng cũng sẽ giảm khoảng 10% so với năm trước.
"Việc khai thác ở các mỏ suy giảm nên sản lượng dầu giảm, khiến cho doanh thu thấp hơn" - ông Trung nhấn mạnh.
Sắp tăng được sản lượng trở lại
Dù sản lượng khai thác giảm nhưng ông Hoàng Ngọc Trung lạc quan: khoảng 2-3 năm tới, khi một loạt mỏ mới như Đại Hùng, Sư Tử Trắng có một số lô chuẩn bị đưa vào khai thác sẽ giúp sản lượng tăng trở lại. Theo kế hoạch, sản lượng khai thác dầu thô trong nước năm 2021 là 7,99 triệu tấn, thấp hơn so với kế hoạch năm 2020 (8,83 triệu tấn).
Đại diện Vụ Dầu khí và than dự báo cả năm nay giá dầu sẽ dao động từ 55-65 USD/thùng. Hiện nay PVN vẫn đang tích cực chỉ đạo các nhà thầu dầu khí tiếp tục rà soát, đánh giá tiềm năng các dự án tìm kiếm thăm dò để có giải pháp tối ưu cho tìm kiếm thăm dò, tối ưu chi phí vận hành, hạ giá thành khai thác mỏ... Tuy vậy, Bộ Công thương cho hay cũng đang đề xuất các cấp thẩm quyền sửa Luật dầu khí theo hướng khuyến khích nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn vào công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác.
Xuất khẩu giảm 50%
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu dầu thô của VN tính đến ngày 15-2-2021 là 354.700 tấn, với trị giá đạt 153,8 triệu USD. Như vậy, sản lượng xuất khẩu sụt giảm mạnh tới gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ 2020, dầu thô xuất khẩu được 656.113 tấn, trị giá đạt hơn 324 triệu USD.
PVN bán dầu trên nguyên tắc nào?
Thông tin thêm về hợp đồng mua bán dầu thô và mức giá, ông Hoàng Ngọc Trung cho rằng hợp đồng hiện nay có hai loại: hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn. Với hai loại hợp đồng này đều áp dụng giá dầu quốc tế, tức là mức giá bình quân tại thời điểm bán, chỉ riêng phần phụ thu thêm là đấu thầu theo từng hợp đồng. Hiện nay với PVEP, chỉ các mỏ nhỏ bán theo hợp đồng giao ngay, còn các mỏ lớn (đáp ứng yêu cầu đủ sản lượng đủ lớn của nhà mua) thường bán theo hợp đồng kỳ hạn.
TTO - Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) đã đầu tư hơn 528 triệu USD vào dự án khai thác mỏ dầu thô Junin 2, nhưng việc dừng đầu tư vào năm 2013 khiến PVN có nguy cơ mất trắng số tiền đã 'ném' vào dự án.
Xem thêm: mth.81650857022301202-paht-aig-oht-uad-uahk-taux-man-teiv/nv.ertiout