Chuyên gia marketing Nguyễn Trần Quang vừa có buổi chia sẻ về những xu hướng kinh doanh trong tương lại tại tọa đàm Vẽ lại tương lai do Hội doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) tổ chức.
Ông Nguyễn Trần Quang gắn liền với những đợt vận động và quảng bá cho sự phát triển của một số thương hiệu như Cà phê Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Nước tăng lực Number 1 của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Bia Saigon Special, Dệt Thái Tuấn, Tã giấy Binô, Sữa Elovi, Miss Saigon, Đồ hộp Hạ Long.… Gần đây nhất, ông là cố vấn cho chương trình Shark Tank Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Quang đã chỉ ra 6 xu hướng dịch chuyển về mô hình kinh doanh tại Việt Nam cũng như thế giới trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn do đại dịch gây ra.
Thứ nhất là xu hướng số hóa. Chuyển đổi số là từ khóa hót trong thời gian qua. Các từ như chính phủ số, kinh tế số, xã hội số được đề cập đến với tần suất cao.
Ông Quang dẫn nghiên cứu của McKinsey, 85% doanh nghiệp toàn cầu tăng tốc số hóa. 67% doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc tự động hóa và ứng dụng AI trong Covid-19 để thích nghi với những bất ổn kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Brain Analysis, trong số 6 quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand, Singapore, Việt Nam thì Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế trực tuyến cao nhất trong Covid-19. Cụ thể, Việt Nam tăng trưởng 16%, Indonesia 11%, Thái Lan 7% và sau đó là Philippines, Malaysia, Singapore.
Thứ hai, quyền lực của khách hàng tăng cao chưa từng có. Do đó, nhà sản xuất, người bán hàng phải đưa ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Đồng thời, họ cũng luôn luôn tìm ra ý tưởng mới, nghiên cứu hành vi, cảm xúc của khách hàng để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thời đại mới.
Thứ ba, xu hướng tập trung đào tạo, phát triển nhân viên. Cổ đông là những người quan trọng của một doanh nghiệp. Thế nhưng, trong thời đại hiện nay, nhân viên cũng đóng vai trò thiết yếu không kém. Vì nhân viên chính là những người tạo ra cảm xúc, trải nghiệm cho khách hàng. Nếu họ tạo ra trải nghiệm không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng và ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp đó.
"Bạn không phát triển công ty mà bạn phát triển những con người phát triển công ty", ông Nguyễn Trần Quang dẫn trích một câu nói nổi tiếng để lý giải về xu hướng dịch chuyển kinh doanh thứ hai trong thời đại hiện nay.
Thứ tư, từ một công ty nhỏ trở thành một nền tảng, hệ sinh thái. Trên thế giới, người ta đã chứng kiến sự lớn mạnh của những công ty nhỏ, sau đó phát triển thành hệ sinh thái như Amazon, Alibaba…. Gần đây là Grab, Gojek…. Ở Việt Nam, rất nhiều công ty, tập đoàn đang trở nên lớn mạnh, phát triển hệ sinh thái riêng cho mình.
Thứ năm, tăng trưởng từ cấp số cộng lên cấp số nhân. Nhiều công ty trên thế giới tăng trưởng chóng mặt nhờ áp dụng công nghệ. Ví dụ như Tesla trong thị trường sản xuất xe hơi có vốn hóa thị trường tăng gấp nhiều lần chỉ trong 7 tháng. Cụ thể, ngày 1/3/2020 vốn hóa thị trường của Tesla là 129,9 tỷ USD nhưng đến đầu tháng 8/2020, con số đã nhảy lên 382 tỷ USD.
Thứ sáu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là điều phải làm, thay vì nên làm. Một câu chuyện rất cụ thể và ấn tượng của tỉ phú Bill Gates đó là biến nguồn chất thải trong toilet làm phân bón. Những loại toilet hiện nay chỉ đơn giản dội chất thải bằng nước trong khi toilet mới không có hệ thống chứa chất thải. Nó thu toàn bộ chất thải rắn và lỏng sau đó kết hợp với hóa chất, trong đa số trường hợp là đốt lên (để chế tạo phân bón).
Ở Việt Nam, rất nhiều các doanh nghiệp cũng đang thực hiện các hoạt động vì cộng đồng. Và trong thời gian tới đây, theo ông Quang, việc thực hiện các hoạt động vì cộng đồng không phải là việc "nên" làm, mà đó là việc doanh nghiệp "phải" làm để tạo uy tín cho công ty, tập đoàn.