Ghé tiệm tạp hóa mua sữa cho con, lúc tính tiền, chị Trần Thị Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) mới biết quên mang ví. Thay vì về không, chị đề nghị trả tiền thông qua tài khoản ngân hàng (NH) hoặc ví điện tử. Mở ứng dụng (app) Mobile Banking trên điện thoại di động, chỉ sau khoảng 1 phút, chị đã thanh toán xong.
Nhiều công cụ thanh toán
Có nhu cầu sử dụng phần mềm chấm bài, chị Lê Lụa (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM), giáo viên một trường cấp III, đã mua trên mạng và chọn thanh toán bằng ví điện tử. Từ khi có dịch Covid-19, không chỉ thực hiện việc dạy học online, thói quen mua sắm của chị cũng thay đổi. Nhiều sách vở, giáo trình, tài liệu được chị đặt qua mạng, thanh toán bằng thẻ NH hoặc ví điện tử...
Chuyển khoản qua ứng dụng NH điện tử Internet Banking hoặc Mobile Bank, ví điện tử giúp người dùng, kể cả các tiểu thương, hộ kinh doanh, người buôn bán nhỏ... giao dịch không dùng tiền mặt thuận tiện hơn. Không cần phải có máy cà thẻ (POS) như trước, chỉ cần vài thao tác chuyển khoản là giao dịch được thực hiện xong. Từ tháng 3-2021, theo quy định của NH Nhà nước, tất cả NH thương mại đã chính thức được áp dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC) để mở tài khoản từ xa cho khách hàng. Tổng hạn mức giá trị giao dịch qua các tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng eKYC không quá 100 triệu đồng/tháng/người.
Đại diện NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết việc đưa eKYC vào thay thế quy trình định danh khách hàng truyền thống đang góp phần mở ra xu hướng giao dịch NH số khép kín 100%. Điều này giúp khách hàng có thể đăng ký mở mới tài khoản trực tuyến và giao dịch ngay trên SmartBanking thế hệ mới mọi nơi, mọi lúc mà không phải mất thời gian tới quầy giao dịch của NH.
Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), cùng với việc đưa robot OPBA phục vụ giao dịch, NH này đã triển khai ứng dụng eKYC vào giao dịch nhằm đơn giản hóa quy trình xác minh khách hàng, giúp giảm bớt thời gian, công sức đến quầy giao dịch trực tiếp. Không chỉ phát triển giải pháp công nghệ eKYC toàn diện trên tất cả kênh từ ứng dụng Open Banking, robot OPBA..., Nam A Bank còn xây dựng không gian giao dịch số ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
"eKYC và các dịch vụ ứng dụng công nghệ là đòn bẩy giúp chuyển đổi mô hình NH truyền thống sang đa không gian giao dịch trên hợp kênh ứng dụng, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường tài chính, phát triển bền vững" - đại diện Nam A Bank nói.
Dù quy định mới của NH Nhà nước về eKYC chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 3 nhưng nhiều NH như Bản Việt, VPBank, TPBank, HDBank, MB... đã được cho phép thí điểm trong năm 2020. Sau một thời gian triển khai, các NH ghi nhận lượng khách hàng mới tăng vọt, giao dịch qua kênh điện tử như Mobile Banking và Internet Banking tăng rõ rệt.
Mới đây, Mobile Money (tiền điện tử trên thuê bao di động) cũng chính thức được cho phép thí điểm từ các nhà mạng. Việc nạp tiền không cần phải có tài khoản NH sẽ càng thúc đẩy hơn thanh toán không dùng tiền mặt. Khi đó, thanh toán không tiền mặt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn, nơi người dân chưa tiếp cận nhiều với các dịch vụ tài chính, cũng có điều kiện phát triển mạnh hơn.
Thanh toán qua thẻ ngày càng tiện lợi hơn. Ảnh: TẤN THẠNH
Xóa bỏ phân biệt nông thôn - thành thị
Đại diện NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết khoảng 10 năm trước, khách đến NH mở tài khoản chủ yếu là để gửi tiết kiệm thì nay, các kênh thanh toán không tiền mặt ngày càng dễ dàng, thuận tiện và có lợi hơn cho người dùng. Thanh toán không tiền mặt cũng giúp xóa bỏ sự phân biệt giữa những người ở thành thị, nông thôn, dân văn phòng, người buôn bán nhỏ... Bất cứ ai cũng có thể mở tài khoản thanh toán tại quầy giao dịch NH hoặc qua eKYC, ví điện tử và sắp tới là Mobile Money, giúp việc giao dịch từ xa ngày càng phổ biến. Như tại Sacombank, tỉ lệ giao dịch thanh toán ở quầy chỉ chiếm 30% trong khi thanh toán qua các kênh online đang lấn lướt với 70%.
Tại NH TMCP Quốc tế (VIB), năm 2020, NH đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data (dữ liệu lớn) vào quy trình phát hành thẻ tín dụng, áp dụng eKYC vào mở tài khoản e-banking. Qua quá trình chuyển đổi số, hiện 87% số lượng giao dịch của VIB được thực hiện qua kênh NH di động và Internet Banking, chỉ 13% là thực hiện tại chi nhánh.
Theo các chuyên gia, cùng với sự chủ động của Chính phủ và NH Nhà nước, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự phát triển đột phá cả về số lượng lẫn chất lượng dịch vụ. Người dân hiện rất dễ dàng tiếp cận với các kênh thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là khu vực thành thị.
Chuyên gia thanh toán - TS Đặng Công Hoàn cho rằng chủ trương áp dụng eKYC tại các dịch vụ mở, sử dụng tài khoản thanh toán NH và gần đây là thí điểm Mobile Money đã giúp các NH, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có điều kiện cung ứng kênh thanh toán không dùng tiền mặt tốt hơn cho người dùng. Ngay cả người dân ở các khu vực khó khăn cũng có thể tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong bối cảnh các nền tảng hỗ trợ thanh toán đang phát triển, thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dùng hưởng lợi.
Cạnh tranh giúp giảm phí dịch vụ
Theo TS Đặng Công Hoàn, người dùng có điều kiện và cơ hội tiếp cận đa dạng hơn với dịch vụ thanh toán không tiền mặt nhằm tối ưu hóa lợi ích cho cuộc sống và kinh doanh. Không chỉ các công cụ thanh toán không tiền mặt "truyền thống" như thẻ thanh toán, e-banking, ví điện tử..., người dùng còn có lựa chọn các công cụ sử dụng tiền điện tử/tiền số khác như: Mobile Money, Apple Pay, Google Pay...
"Sự cạnh tranh giữa các tổ chức, NH khi có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ mới cho thanh toán không tiền mặt giúp người dùng được hưởng giá phí dịch vụ ngày càng thấp, thậm chí không mất phí" - TS Đặng Công Hoàn nhấn mạnh.
Xem thêm: mth.5461312212301202-ax-gnuv-uas-gnuv-ev-neit-es-tam-neit-gnohk-naot-hnaht/et-hnik/nv.moc.dln