Kết phiên giao dịch ngày 22-3, Vn-Index tăng điểm nhưng mức tăng không đáng kể. Mức này chưa đủ để cán mốc 1.200 điểm do nhóm cổ phiếu ngân hàng bước vào nhịp điều chỉnh giảm, khiến nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác không đủ để tạo ra một phiên tăng ngoạn mục cho thị trường.
Sàn HOSE có 274 mã giảm giá, 180 mã tăng giá và 60 mã đứng giá tham chiếu. Trong khi đó, rổ VN30 có 18 mã giảm giá, 12 mã tăng giá.
Tổng khối lượng giao dịch phiên hôm nay đạt gần 942,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 19.600 tỉ đồng. Trong đó, giao dịch trên sàn HOSE đạt 13.709 tỉ đồng.
Kết phiên 22/3, VN-Index tăng 0,38 điểm (0,03%) lên 1.194,43 điểm, HNX-Index giảm 1,03% xuống 274,84 điểm, UPCoM-Index giảm 0,25% xuống 81,26 điểm.
So với phiên cuối tuần qua cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng trong phiên giao dịch đầu tuần nay có dấu hiệu điều chỉnh giảm. Nhưng nếu tính từ ngày 1-2 thì đến thời điểm hiện tại nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng đã đạt mức tăng chóng mặt.
Đơn cử như cổ phiếu VPB đã tăng tới 51%, từ mức 30.000 đồng/cp hiện đã lên 44.900 đồng/cp. Cổ phiếu SHB cũng tăng 45,34%, từ quanh ngưỡng 13.000 đồng/cp lên 19.200 đồng/cp. VIB ghi nhận mức tăng gần 48%, từ mức giá 31.100 đồng/cp lên 45.150 đồng/cp. TCB tăng 33%, lên 41.300 đồng/cp. Tương tự, LPB cũng ghi nhận mức tăng khoảng 38%; MBB tăng hơn 30%, ACB tăng khoảng 26%…
Trong khi cổ phiếu của nhóm ngân thương mại ghi nhận đà tăng thần tốc thì nhóm cổ phiếu của ngân hàng khối quốc doanh lại có mức tăng khá khiêm tốn.
Chẳng hạn mã VCB của Vietcombank chỉ tăng hơn 6%, hiện tại đang giao dịch ở mức 97.000 đồng/cp; BID tăng khoảng 16%, lên 44.650 đồng/cp. Đà tăng cao nhất trong nhóm này thuộc về mã CTG của ngân hàng Vietinbank với mức tăng đạt 33%, lên 41.100 đồng/cp.
Như vậy, nếu nhà đầu tư nào "ôm" cổ phiếu ngành ngân hàng từ đầu tháng 2 thì tới thời điểm này họ có thể thu về lợi nhuận tối đa lên đến 50%. Đây quả là một mức sinh lời đáng mơ ước trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như ngoại hối, vàng, tiết kiệm có mức sinh lời èo uột.