Mô hình vệ tinh dọn rác trong không gian - Ảnh: Astroscale
Theo trang NPR, được biết đến với tên gọi ELSA-d (End-of-Life Services - dịch vụ Vòng đời cuối), sứ mệnh trình diễn công nghệ có thể giúp thu hồi "rác không gian" là hàng triệu mảnh vụn trôi nổi trên quỹ đạo Trái đất.
Theo Astroscale - công ty chủ của dự án có trụ sở tại Nhật Bản, ELSA-d sẽ được thực hiện bởi một "vệ tinh phục vụ" và "vệ tinh khách hàng".
Sử dụng công nghệ gắn kết từ tính, "vệ tinh phục vụ" sẽ phóng ra và cố gắng "đến điểm hẹn" với "vệ tinh khách hàng", đóng vai trò như một mảnh rác không gian giả.
Sứ mệnh được vận hành từ Anh, sẽ thực hiện việc phóng và bắt liên tục trong sáu tháng, nhằm chứng minh "vệ tinh phục vụ" có khả năng đuổi theo và bắt được mục tiêu của nó ở các cấp độ phức tạp khác nhau.
Rác không gian là một vấn đề ngày càng gia tăng trong nhiều năm, khi các vật thể do con người tạo ra như vệ tinh cũ và các bộ phận của tàu vũ trụ tích tụ trong quỹ đạo thấp của Trái đất đến khi chúng phân hủy, rời khỏi quỹ đạo, phát nổ hoặc va chạm với các vật thể khác, phân tán thành những mảnh rác thải nhỏ hơn.
Ví dụ, vào năm 2019, một trong những vệ tinh của Ấn Độ quay quanh Trái đất đã phát nổ, tạo ra hàng trăm mảnh vỡ có nguy cơ va chạm với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Đội ngũ của Công ty Astroscale chuẩn bị vệ tinh để phóng thử nghiệm - Ảnh: Astroscale
Theo một báo cáo gần đây của NASA, ít nhất 26.000 trong số hàng triệu mảnh rác vũ trụ có kích thước bằng một quả bóng mềm. Quay quanh Trái Đất với vận tốc 17.500 dặm/giờ, chúng có thể phá hủy một vệ tinh khi va chạm.
Hơn nửa triệu mảnh vỡ là các mối đe dọa cho các sứ mệnh khác vì khả năng tác động đến hệ thống bảo vệ, thùng nhiên liệu và các cabin tàu vũ trụ.
Riêng các mảnh vỡ nhỏ hơn (hơn 100 triệu mảnh có kích thước bằng hạt muối) lại có thể làm thủng bộ đồ vũ trụ hoặc tăng nguy cơ va chạm với tàu vũ trụ và phi hành đoàn, như báo cáo cho biết.
Các công nghệ dọn rác không gian đã được thử nghiệm từ nhiều năm trước. Năm 2016, cơ quan không gian của Nhật Bản đã gửi một dây buộc dài 700 mét vào không gian để cố gắng giảm tốc độ và chuyển hướng rác không gian. Vào năm 2018, một thiết bị có tên RemoveDebris đã tạo thành công một mạng lưới xung quanh một vệ tinh giả.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng có kế hoạch đưa một robot tự hủy vào quỹ đạo vào năm 2025, mà cựu tổng giám đốc của tổ chức này gọi là "máy hút bụi" không gian.
Những nỗ lực này ngày càng quan trọng, khi những dự án không gian tư nhân như Space-X tiếp tục gây xáo trộn quỹ đạo thấp của Trái Đất với nhiều vệ tinh của chúng.
TTO - Đại học Kyoto và Công ty xây dựng Sumimoto Forestry Nhật Bản bắt tay nghiên cứu phát triển vệ tinh đầu tiên trên thế giới làm bằng gỗ vào năm 2023, trong nỗ lực giảm thiểu tác hại của rác không gian.
Xem thêm: mth.2955849122301202-naig-gnohk-gnort-car-nod-meihgn-uht-uad-tab/nv.ertiout