Vi phạm tại dự án chung cư của Công ty cơ khí ô tô, xe máy Thanh Xuân
Vân Phong
(KTSG Online) - Thanh tra thành phố Hà Nội đã phát hiện nhiều sai phạm trong dự án chung cư do Công ty cơ khí ô tô, xe máy Thanh Xuân làm chủ đầu tư, gồm tăng diện tích sàn xây dựng, giảm số lượng thang máy và chưa nộp tiền sử dụng đất.
Trụ sở Công ty cơ khí ô tô, xe máy Thanh Xuân (cũ) tại số 105 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh minh họa. |
Kết luận về dự án chung cư cao tầng, khu nhà ở cán bộ nhân viên Công ty cơ khí ô tô, xe máy Thanh Xuân (Công ty Thanh Xuân – PV), nay là Công ty TNHH MTV Nam Triệu tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, Thanh tra thành phố Hà Nội cho biết đơn vị này và các cơ quan Nhà nước đã có nhiều vi phạm về quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý môi trường, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Về quy hoạch của dự án, Công ty Thanh Xuân đã có hai quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án và phê duyệt thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán theo hướng tăng diện tích sàn xây dựng từ 538 mét vuông một tầng lên 578,6 mét vuông một tầng, đồng thời giảm số lượng thang máy từ 3 xuống còn 2.
Những điều này chỉnh này – theo Thanh tra thành phố Hà Nội – là vi phạm khoản 8, điều 16 Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009.
Về trật tự xây dựng, công ty Thanh Xuân đã tăng diện tích đất xây dựng công trình lên 606,5 mét vuông, vượt 81,5 mét vuông so với quy hoạch tổng mặt bằng.
Ngoài ra, đơn vị này giảm số lượng thang máy giảm như nói trên và xây dựng công trình nhà tạm lợp mái tôn với diện tích 253 mét vuông trên đất quy hoạch làm đường Chiến Thắng kéo dài.
Theo cơ quan thanh tra, những hành vi này đã vi phạm Điều 16 Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009, Điều 10 Luật Xây dựng năm 2003.
Đáng chú ý, các vi phạm trật tự tại dự án của Công ty Thanh Xuân đã diễn ra trong nhiều năm – từ 2009 tới 2011, nhưng không được UBND quận Hà Đông, UBND phường Mộ Lao, Thanh tra xây dựng quận Hà Đông lập hồ sơ xử lý, theo Thanh tra thành phố Hà Nội.
Việc này được cơ quan thanh tra nhận định đã vi phạm Điều 2, 3, 5 quyết định số 89 ngày 18-6-2007 của Thủ tướng việc thí điểm thành lập thanh tra xây dựng quận, huyện và thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn; Nghị định 180/2007 của Chính phủ quy định chi tiết về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Về quản lý môi trường, cơ quan thanh tra cho biết dự án của Công ty Thanh Xuân được khởi công xây dựng khi UBND tỉnh Hà Tây chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là vi phạm Điều 1 Nghị định 21/2008 của Chính phủ.
Về hoạt động góp vốn, Công ty Thanh Xuân đã ký hợp đồng góp vốn với 84 khách hàng, thay vì ký hợp đồng bán nhà. Giá góp vốn giá bình quân là 10,5 triệu đồng một mét vuông, nhưng không bao gồm tiền sử dụng đất.
Thanh tra thành phố Hà Nội cho biết, có 56 trên tổng số 84 người góp vốn là cán bộ, công nhân của Công ty Thanh Xuân. Còn 28 người không phải là cán bộ, công nhân của công ty.
Về nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp chưa lập hồ sơ trình Sở Tài chính xác định tiền sử dụng đất của dự án tính tới thời điểm thanh tra, nhưng Sở này không có văn bản đôn đốc, theo cơ quan thanh tra.
Bên cạnh Sở Tài chính, Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư thành phố Hà Đông, UBND phường Văn Mỗ, Hợp tác xã nông nghiệp Văn Quán đã lập biên bản bàn giao mặt bằng cho Công ty Thanh Xuân vào ngày 5-12-2007, dù doanh nghiệp này chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa có chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Đông.
Theo Thanh tra thành phố Hà Nội, các cơ quan này đã không thực hiện đúng Điều 2, quyết định số 813 ngày 11-5-2006 của UBND tỉnh Hà Tây.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quyết định về việc thu hồi 2.896 mét vuông đất thuộc địa bàn phường Văn Mỗ, thị xã Hà Đông và giao Công ty Thanh Xuân thực hiện dự án. Trong đó Sở Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các ngành xác định về tiền sử dụng đất.
Kiến nghị xử lý vi phạm, cơ quan thanh tra đề xuất UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu công khai về thu, chi tài chính của dự án với người ký hợp đồng góp vốn theo quy định.
Đồng thời, cơ quan này yêu cầu Công ty Nam Triệu lập hồ sơ trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 của dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất của dự án và nộp tiền sử dụng đất, theo kiến nghị của cơ quan thanh tra.
Cuối cùng, Công ty Nam Triệu phải giúp các hộ gia đình hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các hộ mua nhà.
Với UBND quận Hà Đông, Thanh tra thành phố Hà Nội kiến nghị UBND thành phố giao chính quyền quận lập hồ sơ vi phạm của dự án khu nhà ở này và xử lý theo quy định. Đồng thời thực hiện kiểm điểm trách nhiệm với tổ chức, cá nhân liên quan đến tồn tại, vi phạm ở dự án
Ngoài ra, UBND quận Hà Đông có trách nhiệm hướng dẫn Công ty Nam Triệu lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 của dự án.
Với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, cơ quan thanh tra kiến nghị Sở này xem xét, trình UBND thành phố việc điều chỉnh quyết định 813 cho phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị H2-2.
Thêm vào đó, Sở này còn có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành khác tính tiền sử dụng đất phải nộp của Công ty Thanh xuân khi thực hiện dự án và xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các hộ mua nhà theo quy định pháp luật.
Cuối cùng, cơ quan này đề nghị UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ Công an xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc Công ty cơ khí ô tô, xe máy Thanh Xuân liên quan đến tồn tại, vi phạm khi thực hiện dự án.