Thực tế, chưa có nhiều khía cạnh kinh tế được đề cập trong cuộc đối thoại cấp cao giữa Mỹ - Trung Quốc tuần vừa qua tại Alaska. Tuy nhiên theo các chuyên gia của CNBC, thái độ cứng rắn được cả hai nước thể hiện trong cuộc đối thoại cho thấy vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện quan hệ nào sau thời cựu Tổng thống Donald Trump.
"Về kinh tế, thương mại và công nghệ, chúng tôi đã làm rõ với phía Trung Quốc rằng chúng tôi đang xem xét lại vấn đề này với sự tham vấn của Quốc hội và các đối tác, đồng thời sẽ nỗ lực tối đa để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, người lao động Mỹ", ông Antony Blinken, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.
Hiện Mỹ vẫn phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng đi qua Trung Quốc trong đại dịch. (Ảnh minh họa: AP)
"Giữa hai nước vẫn còn nhiều khác biệt quan trọng. Chúng tôi sẽ nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia và các lợi ích chiến lược của mình. Sự phát triển của Trung Quốc là một xu thế không gì có thể ngăn cản", ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh.
Trước đó, giới chức Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục các chính sách trừng phạt nhằm vào giới công nghệ Trung Quốc, đã được áp đặt dưới chính quyền tiền nhiệm.
Ngay trong tuần trước, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã bắt đầu tiến trình tước giấy phép 3 công ty viễn thông Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ, với cáo buộc các công ty này không minh bạch trong mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc.
Đối thoại Mỹ - Trung vẫn còn nhiều vấn đề mâu thuẫn. (Ảnh: AP)
"Tôi nghĩ rằng nhiều chính sách cứng rắn sẽ tiếp tục có hiệu lực trong tương lai, bởi tầm nhìn đã được xác lập rằng đây là một cuộc cạnh tranh chiến lược, và khi nói tới các lĩnh vực như công nghệ, sẽ không có bên nào chịu nhượng bộ. Doanh nghiệp cần chuẩn bị và làm rõ cách thức để tiếp tục kinh doanh xuyên biên giới trong điều kiện này", ông Dewaldric Mcneal, Chuyên gia tư vấn chính sách, hãng tư vấn Longview Global, cho hay.
Về thương mại, bất chấp việc đạt thỏa thuận giai đoạn 1 vào năm 2019, hiện Mỹ vẫn có mức thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc và còn phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng đi qua nước này trong đại dịch.
Việc Tổng thống Biden ký sắc lệnh nhằm tự chủ nguồn cung các sản phẩm như linh kiện bán dẫn và thiết bị y tế, dù không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, đã phần nào cho thấy Mỹ chưa muốn sớm "hạ nhiệt" quan hệ, đặc biệt sau khi nước này bổ nhiệm bà Katherine Tai - một người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc vào vị trí Đại diện Thương mại Mỹ.
VTV.vn - Cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc dù căng thẳng không khoan nhượng, nhưng hai bên vẫn để ngỏ cơ hội tiếp tục đối thoại trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!