Ngày 22-3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng đồng phạm thiếu trách nhiệm trong vụ hoán đổi khu đất vàng Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM.
Các bị cáo nghe đại diện viện kiểm sát đọc bản luận tội tại phiên tòa
sáng 22-3. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đại diện VKS đã đề nghị HĐXX phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thành Tài 5-6 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
“Biết sai nhưng vẫn vi phạm”
VKS cho rằng bà Diệp biết sai nhưng vẫn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và có ý chí chiếm đoạt tài sản nhà nước đến cùng.
Cụ thể, bà Diệp gian dối khi thỏa thuận với bị cáo Vy Nhật Tảo (khi đó là giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM) về việc mang tài sản thuộc sở hữu tư nhân (nhà, đất 57 Cao Thắng) đổi lấy tài sản thuộc sở hữu nhà nước là khu đất 185 Hai Bà Trưng. Bị cáo chỉ cung cấp cho cơ quan chức năng bản phôtô giấy tờ sở hữu khu đất 57 Cao Thắng. Bản phôtô thể hiện hiện trạng chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong khi thực tế, tài sản này thế chấp tại Agribank vay 8.700 lượng vàng.
Sau khi hoán đổi tài sản thành công, nhận giấy tờ sở hữu khu đất 185 Hai Bà Trưng, bị cáo không trả nợ cũ mà mang tài sản đến ngân hàng khác tiếp tục vay vốn. Từ đó, bị cáo đã chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu nhà nước có giá trị hơn 186 tỉ đồng.
Để giải quyết hậu quả vụ án, VKS đề nghị HĐXX tuyên thu hồi nhà, đất 185 Hai Bà Trưng trả lại cho Nhà nước vì đây là tang vật vụ án, các tranh chấp khác sẽ được tách ra bằng vụ án dân sự. Trước đó, căn nhà này bà Diệp đem thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập Sacombank) vay 160 tỉ đồng. Cạnh đó, VKS đề nghị tiếp tục phong tỏa tài sản của Đào Thị Hương Lan (cựu giám đốc Sở Tài chính, hiện đang bỏ trốn).
Đề nghị ghi nhận đóng góp của ông Nguyễn Thành Tài
Về ông Tài, VKS cho rằng bị cáo không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước. Tuy nhiên, ngày 5-3-2010, ông đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng và tài sản 57 Cao Thắng.
Bị cáo Tài không sát sao trong việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý nhà, đất 57 Cao Thắng, không phát hiện nhà, đất này bị thế chấp nên bị bà Diệp lừa.
Ông Tài từng giữ chức vụ cao, phó chủ tịch thường trực UBND TP. VKS chia sẻ áp lực công việc, đánh giá cao khi bị cáo Tài nhìn nhận trách nhiệm của mình. VKS cũng đề nghị tòa ghi nhận bị cáo này có nhiều đóng góp cho xã hội…
Các bị cáo còn lại thành khẩn, không vụ lợi, một số bị cáo phạm tội lần đầu. Trong vụ án này có hai bị cáo đang thi hành một bản án khác và bị cáo Tài đang chờ phúc thẩm một vụ án khác. VKS nêu và đề nghị HĐXX lưu tâm vấn đề này.
Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Vì thế, VKS cho rằng cần một mức án vừa nghiêm minh vừa nhân văn.
Bào chữa cho ông Nguyễn Thành Tài, luật sư khẳng định ông Tài sai lầm vì tin tưởng cấp dưới. Bị cáo Tài thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo từ cấp trên…
Luật sư của bà Bạch Diệp tranh luận ra sao?
Bào chữa cho bà Diệp, luật sư cho rằng không đủ căn cứ kết tội thân chủ và đề nghị trả tự do tại tòa. Về mặt pháp lý và trên thực tế, tài sản nhà nước không bị mất đi và không bị chiếm đoạt.
Theo luật sư, trong trường hợp này, công ty và bà Diệp có yêu cầu hủy việc hoán đổi tài sản, liên quan các tranh chấp phát sinh trong quan hệ tín dụng với Agribank và tổ chức tín dụng khác, nếu không hòa giải, tìm kiếm được phương án giải quyết, Agribank hoặc tổ chức tín dụng khác có quyền khởi kiện theo trình tự tố tụng dân sự ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Quá trình hình thành chủ trương, triển khai thực hiện việc hoán đổi và tiến hành bàn giao tài sản đã kéo dài hơn năm năm với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng và được sự chấp thuận của lãnh đạo cao nhất.
Cáo trạng có đề cập việc hoán đổi tài sản giữa Nhà nước và tư nhân là vi phạm nhưng thực tế cần nhìn nhận như lời khai của một lãnh đạo là không có văn bản pháp luật nào quy định hay hướng dẫn việc “hoán đổi” tài sản thuộc sở hữu nhà nước với tài sản tư nhân.
“Không có quy định hay hướng dẫn phải được hiểu là pháp luật không cấm. Bị cáo Nguyễn Thành Rum (giám đốc Sở VH-TT&DL TP) còn cho rằng việc hoán đổi tài sản này là hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, lần đầu được áp dụng tại TP.HCM nhưng có sự hướng dẫn của Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan. Bản thân ông Tảo nhận thức là trung tâm (tức Nhà nước) được lợi nên đã đề xuất với các sở, ngành cấp trên cho thực hiện” - luật sư lưu ý.
Luật sư cũng cho rằng trong suốt quá trình điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng bà Diệp không hợp tác, khai báo gian dối là không thỏa đáng. Vì rõ ràng cơ sở pháp lý buộc tội đối với bà Diệp không vững chắc. Đó cũng chính là một phần lý giải nguyên nhân sự bức xúc của bà Diệp tại phiên tòa những ngày qua…
Ngoài ra, luật sư thấy rằng cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét nguyên nhân, bối cảnh xảy ra sự việc. Sự cố xảy ra trong quá trình hoán đổi là sự kiện bất khả kháng, rủi ro trong kinh doanh ở Công ty Diệp Bạch Dương. Hiện UBND TP.HCM xác lập sở hữu nhà nước đối với cả hai khu đất. Chưa kể là Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP vẫn đang quản lý, sử dụng tài sản 57 Cao Thắng.
Mức án đề nghị đối với các bị cáo thiếu trách nhiệm… Ở tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, VKS đề nghị tòa xử phạt bị cáo Vy Nhật Tảo và Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) cùng mức 5-6 năm tù như đối với cựu phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài. Bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP), Nguyễn Thành Rum (cựu giám đốc Sở VH-TT&DL) 4-5 năm tù. Bị cáo Huỳnh Kim Phát, Lê Văn Thanh (cựu phó chánh Văn phòng UBND TP): 3-4 năm tù. Bị cáo Trần Nam Trang (cựu phó giám đốc Sở Tài chính TP), Lê Tôn Thanh (cựu phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP): Ba năm tù nhưng cho hưởng án treo. |