Theo thông tin từ một nguồn tin quan chức Israel của báo Jerusalem Post thì Israel và một số nước Ả Rập (Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE, Bahrain) “đang bàn bạc không chính thức để mở rộng hợp tác để đối phó các kẻ thù chung”.
Trước khi nguồn tin quan chức Israel đưa ra thông tin này thì Chủ tịch Đại hội Thế giới Do thái Ron Lauder có bài viết trên báo Arab News kêu gọi thành lập một “NATO của Trung Đông”. Tờ Arab News - thuộc quyền sở hữu của hoàng thân Turki bin Salman Al Saud, con trai vua Salman và em trai của thái tử Mohammad bin Salman - được cho là phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Saudi Arabia.
Văn phòng thủ tướng Israel chưa xác nhận thông tin này, tuy nhiên cho biết “chúng tôi luôn quan tâm nâng cấp quan hệ với các đối tác Trung Đông”. Israel đã bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain nhưng vẫn chưa có quan hệ chính thức với Saudi Arabia. Tuy nhiên, theo Jerusalem Post thì Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu và thái tử Mohammad bin Salman đã bí mật gặp nhau ở TP Neom của Saudi Arabia cuối tháng 11 vừa qua.
Từ trái qua: Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed Al Khalifa, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed al-Nahyan tại buổi lễ ký Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập ngày 15-9. Ảnh: TIMES OF ISRAEL
Một NATO ở Trung Đông không do Mỹ dẫn đầu sẽ thu hẹp không gian mà ông Biden cần để cân bằng các chính sách của Mỹ với Iran và với các đồng minh ở khu vực. Nhà phân tích WANG YIN, Viện Charhar (Trung Quốc) |
Ý tưởng lập “NATO Trung Đông” đến từ đâu?
Nhà nghiên cứu Wang Jin tại Viện Charhar (Trung Quốc) cho rằng yếu tố đưa đến ý tưởng này nằm ở sự thay đổi trong vấn đề địa chính trị ở Trung Đông trong thập niên qua. Sự lớn mạnh của Iran và sự suy yếu của các nước Ả Rập làm tình thế thay đổi. Cả Israel và các nước Ả Rập đều chia sẻ lo ngại chung với đà tăng ảnh hưởng của Iran ở khu vực và điều này đã khiến hai bên xích lại gần nhau hơn. Có thể nói sự lớn mạnh của Iran là động lực chính dẫn tới ý định lập liên minh khu vực giữa Israel và các nước Ả Rập, theo nhà phân tích Wang Yin.
Ngoài ra còn một động lực nữa là vì chính sách của Mỹ ở khu vực, theo ông Wang Yin. Chính sách Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn tới nhiều lo ngại và bất mãn từ Israel và nhiều nước Ả Rập vùng Vịnh. Sự chỉ trích của Mỹ với việc Saudi Arabia và UAE can thiệp vào nội chiến Yemen, cũng như việc Mỹ điều tra vai trò của thái tử Mohammad bin Salman trong việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại năm 2018 đã khiến hai nước Trung Đông này bất an. Điều này cũng thúc đẩy ý muốn liên minh với Israel.
Tuy nhiên, sự bất mãn lớn nhất nằm ở việc chính quyền Biden muốn tái tiếp cận Iran. Có thể thấy cả bốn nước trên đều là đồng minh của Mỹ và đều phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran, cho rằng đây là mối đe dọa lớn với an ninh khu vực và đang theo dõi chặt mọi động thái của chính quyền Tổng thống Biden liên quan khả năng tái tham gia thỏa thuận. Sự lo lắng này càng lớn đặc biệt trong bối cảnh Iran khôi phục làm giàu uranium và hạn chế cho thanh sát viên Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân của mình.
Trong lúc mất lòng tin với khả năng kiềm chế Iran của phương Tây thì các nước Ả Rập xem Israel là đồng minh duy nhất cùng quan điểm chống Iran và ngược lại, Israel cũng nghĩ thế, theo Chủ tịch Đại hội Thế giới Do thái Lauder.
Băn khoăn và rủi ro
Thời điểm này khó có thể nói chắc về tiềm năng ra đời một liên minh quân sự giữa Israel và các nước Ả Rập lớn tới đâu. Tuy nhiên, trong bài viết trên tạp chí National Interest, chuyên gia Paul Pillar, cựu quan chức Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ, Cục Tình báo Trung ương Mỹ, phụ trách khu vực Cận Đông và Nam Á, nhận định các động thái diễn ra giữa Israel và các nước Ả Rập thời gian qua chỉ là sự nâng cấp quan hệ, không gì hơn, càng không thể xem là bước dẫn tới liên minh. Palestine cũng là một khúc mắc lớn giữa Israel và thế giới Hồi giáo mà hai bên có thể giải quyết để liên minh nhau.
Báo Tehran Times (Iran) nói thẳng rằng Israel đang giăng bẫy các nước Ả Rập. Tờ báo này cho rằng động lực để Israel nghĩ đến việc lập liên minh quân sự với các nước Ả Rập đến từ việc nước này bình thường quan hệ với một số trong các nước này, tuy nhiên Israel đã quá tự tin. Theo Tehran Times, các nước Ả Rập, chẳng hạn UAE, không dễ vượt qua băn khoăn liệu có khi nào Israel làm mình vướng víu vào xung đột với Iran rồi bỏ mặc.
Tuy nhiên, nếu khả năng này thành hiện thực thì thế nào? Theo nhà phân tích Wang Yin, việc ra đời một liên minh an ninh và chính trị khu vực có thể sẽ dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng hơn ở Trung Đông. Theo báo Dawn (Pakistan), các nước vùng Vịnh tự do quyết định làm bạn hay làm thù với bất kỳ nước nào, tuy nhiên lập liên minh để chống lại bất kỳ nước Hồi giáo nào là chuyện nghiêm trọng. Cả Iran và Israel đều đang thực hiện các cuộc chiến ủy nhiệm ở Lebanon và Syria. Gần đây, một tàu Israel bị tấn công ở vịnh Oman và Israel cho rằng Iran là thủ phạm. Israel thường xuyên nhắm vào các cơ sở của Iran và đồng minh của Iran ở Syria.
Giờ Israel còn đặt nền móng quan hệ với các nước vùng Vịnh thì tình hình sẽ còn nguy hiểm hơn. Theo nhật báo Al-Arab (Qatar), nhiều nhà phân tích đang băn khoăn liệu một khi thành liên minh, Israel có được phép sử dụng các căn cứ vùng Vịnh như một bệ phóng để tấn công trực tiếp vào các cơ sở của Iran? Nếu sự đối đầu Israel - Iran lan sang các nước vùng Vịnh thì hậu quả sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều, khi Iran từng nói sẽ nhắm đến các căn cứ của Mỹ ở khu vực nếu mình bị tấn công.
Chỉ vài ngày sau khi Mỹ thông báo thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel - UAE, Tổng thống Iran - ông Hassan Rouhani từng cảnh cáo rằng UAE sẽ “bị đối xử khác” nếu cho phép Israel lập nền móng ngay cửa ngõ Iran. Cả ông Rouhani và Tổng tham mưu lực lượng vũ trang Iran - Thiếu tướng Mohammad Hossein Bagheri đều cảnh báo sẽ buộc UAE chịu trách nhiệm nếu Israel có bất kỳ hành động phá hoại nào với Iran. Theo Dawn, thay vì tham gia vào một liên minh quân sự gây tranh cãi có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực khu vực, các nước Ả Rập cần giải quyết các bất đồng với Iran thông qua thương lượng, Iran cũng phải có thái độ tích cực với các quan ngại của thế giới Ả Rập. Thêm nữa, Israel phải kiềm chế khiêu khích. Nói chung theo Dawn, các nước Ả Rập và Iran không nên để mình hứng rủi ro là bên chịu tổn thương trước tiên khi xung đột xảy ra. |