Gia đình anh Dương Văn Tới (ngụ Bình Chánh, TP.HCM) nhận huy hiệu "Vì sức khỏe nhân dân" từ Bộ Y tế. Gia đình anh đã có nghĩa cử hiến các tạng của đứa con qua đời khi vừa tròn 20 để cứu sống được 6 mạng người - Ảnh: XUÂN MAI
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - khi đề cập vấn đề nhức nhối: "mua bán tạng", tại hội thảo tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người do Bộ Y tế tổ chức sáng 22-3 tại TP.HCM. Từ khi luật hiến ghép tạng ra đời, mặt trái của việc buôn bán tạng chưa bao giờ hết nhức nhối...
Đủ chiêu lách luật
Theo bà Trần Thị Cẩm Tú - phó giám đốc Trung tâm ghép tạng (Bệnh viện Trung ương Huế), ước tính hiện có 50% người sống hiến tạng tại đơn vị là người dưới 30 tuổi. Và trong quá trình hoạt động đã phát sinh một số trường hợp tiêu cực từ những người hiến tạng trẻ tuổi này. Đó là xuất hiện tình trạng giả giấy tờ, giả chữ ký, giả con dấu của cơ quan có thẩm quyền.
Nhiều trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, bệnh viện từ chối ghép nhưng sau đó lại đến một trung tâm ghép tạng khác thực hiện trót lọt.
"Vẫn còn kẽ hở để nhiều người mua bán tạng lách luật và rõ ràng chúng ta cần có hệ thống giám sát, cảnh báo đối với các trường hợp nghi ngờ mua bán tạng trên toàn quốc", BS Cẩm Tú bày tỏ.
TS Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) - dẫn chứng một bộ hồ sơ với danh nghĩa "chồng đăng ký hiến thận cho vợ", nhưng sự thật sau khi rà soát đơn vị khá sốc khi đây là hồ sơ giả mạo, kịp thời từ chối thực hiện ghép tạng.
"Nếu không nhận được thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chúng tôi cũng không thể nhận biết được bộ hồ sơ đó là giả mạo. Do đó khi thẩm định, nhân viên y tế cần cảnh giác cao độ bởi hành vi làm giấy tờ, hồ sơ giả càng ngày càng tinh vi", BS Thu nói.
Cho rằng mua bán tạng là vấn đề nhạy cảm nhưng "không thể né tránh", ông Nguyễn Huy Quang cho biết đến nay vẫn chưa có số liệu nào cụ thể liên quan đến việc xử lý hình sự các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật này.
Đối với các loại hàng hóa khác thông thường mua bán trực tiếp. Nhưng riêng với mô, các bộ phận cơ thể người, việc giữa người bán - người mua không thể thực hiện được nếu không có các cơ sở khám chữa bệnh.
"Tôi không nói tiếp tay hay không tiếp tay bởi còn liên quan đến nhiều khía cạnh như pháp lý, vô tình để lọt hồ sơ giả hoặc bị các đối tượng lừa đảo, nhưng cũng có trường hợp biết nhưng nhắm mắt cho qua. Đây là mối quan hệ tay ba giữa người mua, người bán và các bệnh viện", ông Quang khẳng định.
Nhân viên y tế tiếp tay?
Với lịch sử gần 30 năm ghép tạng, GS Trần Ngọc Sinh - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam - cho rằng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đó là ghép đủ được các nội tạng và các bộ phận cơ thể. Tuy vậy nhu cầu hiến ghép tạng trong dân chúng vẫn còn rất lớn.
Ông đặt vấn đề liệu có người trong ngành y tiếp tay cho buôn bán tạng hay không? GS Sinh khẳng định "có" nhưng "anh em không muốn nhắc tới, sợ đụng chạm". "Nó giống như con đà điểu chui đầu xuống cát thôi. Với đà điểu nó muốn tắm cát, còn con người muốn trốn tránh một sự việc khó nói", GS Sinh ví von.
Theo GS Sinh, việc buôn lậu mô tạng hiện đang là vấn đề nhức nhối của toàn cầu, đặc biệt có một số trường hợp "người bệnh chưa chết nhưng nói chết rồi để lấy tạng". Và chính vấn nạn này đang đe dọa đến các thành tựu của hiến ghép tạng, vốn là một việc làm mang ý nghĩa nhân đạo cao cả.
Các chuyên gia cho rằng dù Luật hiến, lấy, ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (gọi tắt là Luật hiến ghép tạng) có hiệu lực từ 1-7-2007 nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Điều này cũng là lý do làm cho nguồn tạng hiến khan hiếm so với nhu cầu được ghép tạng ngày càng cao, và tình trạng mua bán tạng trở nên phổ biến.
Các bất cập này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trước tiên là quy định độ tuổi được phép hiến tạng bắt buộc trên 18 tuổi, điều này vô tình đã khống chế nguồn tạng được hiến tặng từ người cho chết não. Ngoài ra, cơ chế chẩn đoán chết não bắt buộc phải có ý kiến xác nhận của ít nhất ba chuyên gia (pháp y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc, bác sĩ nội thần kinh).
"Còn nhiều vấn đề cần giải quyết, tạo nên sức bật mới cho công tác hiến, ghép tạng. Cần phải góp ý, sửa đổi để làm sao tăng nguồn hiến mô, tạng nhưng vẫn phải tuân thủ công ước Istanbul về cấm buôn bán tạng bằng cách tạo ra nguồn hiến tạng sạch, hợp pháp", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận.
Theo thứ trưởng, từ các cuộc hội thảo này sẽ mở ra kỳ vọng cho những người làm trong lĩnh vực hiến ghép tạng, với mục tiêu giải quyết mong mỏi cho hơn 10.000 trường hợp đang chờ ghép thận; 2.000 trường hợp chờ ghép gan. Để đảm bảo nguồn tạng "sạch đúng nghĩa", ông cho rằng cần phải tăng cường nguồn hiến ghép từ người sống chết não, chết tim.
"Đây là cơ sở để kỳ vọng năm 2022 trình Quốc hội Bộ luật hiến ghép tạng, mở hành lang thông thoáng giúp ngành ghép tạng có bước phát triển mới, hiệu quả hơn nữa trong tương lai", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Trên 40.000 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi qua đời
Từ năm 1992, Việt Nam bắt đầu thực hiện ghép tạng từ người cho sống và đến năm 2010 triển khai ghép tạng từ người cho chết não.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia - cho biết dù xuất phát điểm của ghép tạng Việt Nam chậm so với thế giới gần 40 năm, nhưng với sự cố gắng của đội ngũ y bác sĩ, cộng với tiến bộ vượt bậc của nền y học nước ta đang dần tiệm cận với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng.
Tính đến tháng 12-2020, Việt Nam thực hiện được 5.587 ca ghép các bộ phận cơ thể người như: thận, gan, tim, phổi, tụy, chi trên, ruột… Tính đến 31-12-2020, cả nước có 40.257 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não. Đặc biệt, có 100 người đăng ký hiến tạng khi còn sống và đã có 7 người hiến tạng khi còn sống.
TTO - Với mô tạng, người bán và người mua sẽ không thể thực hiện được nếu không có các cơ sở khám chữa bệnh. Đây là mối quan hệ tay ba giữa người mua, người bán và các bệnh viện.
Xem thêm: mth.3775830222301202-gnohk-yat-peit-oc-et-y-neiv-nahn-gnat-nab-aum-gnort-ab-yat-eh-nauq/nv.ertiout