Lực lượng an ninh Myanmar bắt giữ một người biểu tình ở thành phố Yangon ngày 19-3 - Ảnh: REUTERS
Trong một tuyên bố riêng rẽ rạng sáng 23-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh chính quyền quân sự Myanmar "tiếp tục nỗ lực lật ngược kết quả của một cuộc bầu cử dân chủ bằng cách đàn áp dã man những người biểu tình ôn hòa, giết những cá nhân chỉ đơn giản muốn góp một tiếng nói cho tương lai của đất nước".
Theo ông Blinken, kể từ sau cuộc binh biến lật đổ chính phủ dân sự ngày 1-2 đến nay, đã có ít nhất 194 người chết trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội Myanmar. Con số được truyền thông Myanmar và các tổ chức nhân quyền công bố còn cao hơn nhiều, lên tới 254 người, theo tờ Irrawaddy.
"Người dân Myanmar đã nói lên nguyện vọng được trả lại nền dân chủ, hòa bình và pháp quyền. Mỹ, cùng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, sát cánh cùng họ", ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó đã đưa vào danh sách đen một loạt tướng lĩnh Myanmar, bao gồm cả thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng sau cuộc binh biến ngày 1-2.
Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, các lệnh trừng phạt của Mỹ dường như không làm thay đổi hành vi của chính quyền quân sự Myanmar khi bạo lực với dân thường vẫn tiếp diễn sau đó.
Trong lệnh trừng phạt mới nhất ngày 22-3, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa vào danh sách đen cảnh sát trưởng Myanmar Than Hlaing và tư lệnh Cục Tác chiến đặc biệt, trung tướng Aung Soe. Động thái này sẽ đóng băng tất cả tài sản của hai người ở Mỹ (nếu có) và ngăn các doanh nghiệp, cá nhân Mỹ làm ăn với họ.
Danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ cũng được bổ sung thêm Sư đoàn bộ binh 77 và Sư đoàn bộ binh 33 của quân đội Myanmar. Theo Reuters, đây là hai sư đoàn đã được triển khai để "đàn áp" các cuộc biểu tình ở Yangon và Mandalay, thành phố lớn nhất và lớn thứ hai của Myanmar.
"Đã có những video ghi lại cảnh lực lượng này đi trên các xe bán tải, xả súng có đạn thật bừa bãi theo nhiều hướng, kể cả hướng vào nhà dân", Bộ Tài chính Mỹ nêu cáo buộc.
Sư đoàn bộ binh 33 là một trong các đơn vị quân đội tinh nhuệ của Myanmar đã từng bị Mỹ trừng phạt vào năm 2017. Đơn vị này từng tham gia chiến dịch quân sự dẫn tới cuộc khủng hoảng tị nạn của người Rohingya.
Trước Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố lệnh hạn chế đi lại và đóng băng tài sản với 11 tướng lĩnh Myanmar.
"Những hành động này thể hiện sự lên án của cộng đồng quốc tế đối với chế độ và cam kết đối với người dân Myanmar", Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm các hành động đối với chính quyền quân sự.
"Mỹ một lần nữa kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công; ngăn chặn các cuộc tấn công đối với các thành viên xã hội dân sự, nhà báo..., chấm dứt các vụ giết người tàn bạo bởi lực lượng an ninh và trao lại quyền lực cho chính phủ được bầu cử dân chủ", ông Blinken kêu gọi.
TTO - Tổng cộng 11 cá nhân, gồm Thống tướng Min Aung Hlaing, liên quan vụ đảo chính quân sự và mạnh tay với người biểu tình ở Myanmar đã bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt. Đây là phản ứng mạnh nhất của EU với vụ việc này tới nay.